30/01/2023
𝑳𝒂̀𝒎 𝒕𝒓𝒂́𝒊 𝒏𝒈𝒂̀𝒏𝒉 𝒉𝒂𝒚 𝒕𝒉𝒂̂́𝒕 𝒏𝒈𝒉𝒊𝒆̣̂𝒑 đ𝒆̂̉ 𝒕𝒊̀𝒎 𝒗𝒊𝒆̣̂𝒄 𝒍𝒂̀𝒎 đ𝒖́𝒏𝒈 𝒄𝒉𝒖𝒚𝒆̂𝒏 𝒎𝒐̂𝒏?
“Liệu chấp nhận làm trái ngành hay bất chấp thất nghiệp chỉ để tìm việc làm đúng chuyên môn?
” Cũng sắp đến thời điểm tốt nghiệp tháng 3 năm 2023, không ít các sinh viên mới và sắp ra trường không khỏi băn khoăn về vấn đề này.
Làm trái ngành hay thất nghiệp để tìm việc làm đúng chuyên môn?
“Thất nghiệp” được ví như nỗi ám ảnh của phần lớn sinh viên mới ra trường. Phải nói, số doanh nghiệp thì đếm trên đầu ngón tay, vậy mà hàng năm có biết bao nhiêu là cử nhân, thạc sỹ “ra lò”, cạnh tranh phải biết!
Chính vì có được một công ăn việc làm tốt ngày nay khó cực kì nên một câu hỏi được đặt ra: “Liệu chấp nhận làm trái ngành hay bất chấp thất nghiệp chỉ để tìm việc làm đúng chuyên môn?” Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có được câu trả lời cho mình!
Làm việc trái ngành, được hay mất?
Chân ướt chân ráo đi làm ở một vị trí chẳng liên quan gì đến kiến thức mà mình học, nhìn sơ qua đã thấy chữ “khổ”! Trước hết là về kiến thức, khi chấp nhận làm trái ngành, bạn đã chịu đi chậm hơn đồng nghiệp ít nhất là 4 năm đại học vì bạn đâu có học ngành này đâu. Tiếp đến, làm trái ngành dễ dàng khiến chúng ta có cảm giác như mình là “người ngoài cuộc” vậy, ngay cả những đặc điểm về ngành, về phong cách làm việc của người trong ngành, hay làm ngành này đòi hỏi những kĩ năng nào, bạn cũng chẳng biết hay trang bị đủ. Chà, nghĩ tới thôi đã thấy gian nan rồi…
Nhưng,…
Cơ duyên nào mang bạn đến với một nghề không liên quan gì tới kiến thức mà bạn có? 90% người cho rằng, làm trái nghề chẳng sao, miễn có mức lương nuôi sống bản thân là được. Bạn thấy đó, chẳng phải lợi ích đầu của bạn là có thể làm ra tiền để tự nuôi bản thân, đáp ứng nhu cầu của mình sao? Thứ hai, trong trường hợp bạn được nhận việc dù bạn học ngành khác, chắc chắn nhà tuyển dụng đã nhìn thấy tố chất của bạn, đâu có ai muốn tuyển người không làm được việc phải không nè? Điều đó chứng tỏ bạn phù hợp với nghề mới rồi. Tiếp theo, nhà tuyển dụng chọn nhân viên “trái ngành”, tất nhiên là sẽ tạo cơ hội cho bạn được tham gia đào tạo, bồi bổ thêm kiến thức, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, như vậy thì quá tốt luôn!
Làm trái ngành hay thất nghiệp để tìm việc làm đúng chuyên môn?
Bạn còn cảm thấy hoang mang không? Nếu có, hãy thử bỏ ra một vài ngày để “hẹn hò tâm sự”, hỏi han những người thân đã thành công của mình như cha mẹ, thầy cô, anh chị, bạn bè,…xem họ đã từng làm trái ngành chưa. Vui Vẻ cá chắc bạn sẽ ngạc nhiên liền vì phần lớn câu trả lời là “Có” đó! Vậy mới nói, làm việc trái ngành thực tế chẳng đáng sợ chút nào đâu. Điều quan trọng là nếu người trong nghề cố gắng một, thì bạn cần cố gắng ít nhất là gấp đôi. Một khi bạn đã xác định được đâu là công việc phù hợp với mình thì mọi gian nan, thử thách sẽ chẳng còn là trở ngại quá lớn.
Chấp nhận thất nghiệp chờ việc đúng chuyên môn, nên hay không?
Ngay từ khi còn là sinh viên, phần lớn chúng ta nghĩ rằng sau khi ra trường mình chỉ có thể làm được mỗi ngành này thôi. Lí do đơn giản là vì mình đã được trang bị đầy đủ kiến thức về nó, chứ bây giờ học kinh tế mà bị hỏi về kĩ thuật, sao mà biết đường trả lời? Ra trường, chúng ta ráo riết “rải” CV khắp các doanh nghiệp chỉ để mong tìm được việc phù hợp. Một số “thiên tài” sẵn sàng thất nghiệp “tạm thời” chỉ để “luyện skills” đi “săn vé” làm việc đúng chuyên môn tại các tập đoàn đa quốc gia dù nhiều lần trượt lên trượt xuống. Ngoài ra, lí do khác khiến một bộ phận giới trẻ “thà thất nghiệp còn hơn làm trái ngành” đó là họ muốn được làm công việc mà mình đam mê.
Sau tất cả, ta được gì?
Đợi chờ công việc đúng ngành là chuyện của bạn, còn khi nào mới có được việc đúng ngành phù hợp, và quan trọng hơn là bạn được nhận làm việc, đó là…hên xui! Trong khoảng thời gian chưa làm ra tiền, liệu bạn có phải chi tiêu vô cùng cực khổ, thậm chí “cầu cứu” người thân? Thay vào đó, tại sao không tìm cho mình một việc làm bất kì, có thể là công việc bán thời gian, hay làm freelance cũng được, miễn là có việc làm để có lương, bạn có khả năng làm, tiếp đến là “thu gom” kinh nghiệm để ghi vào CV, hay còn biết cách trả lời khi nhà tuyển dụng hỏi “Từ khi ra trường tới giờ, em đã làm gì?”
Thật ra, yêu thích một ngành nghề và chỉ muốn một đời cống hiến cho nó, đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc xem liệu hoàn cảnh của bạn lúc đó có phù hợp để bản thân theo đuổi mục tiêu hay không. Nói một cách dễ hiểu, trong khoảng thời gian thất nghiệp, bạn làm gì để tự nuôi bản thân? Bạn có chắc mình bỏ lỡ một khoảng thời gian trống như vậy thì kết quả nhận được sẽ xứng đáng?
Xét tới cùng, dù làm trái ngành, hay thất nghiệp để tìm việc đúng ngành đi chăng nữa không phải là chuyện quá quan trọng. Điều quan trọng là bạn tìm được việc làm mà mình cảm thấy thoải mái khi làm việc, bản thân có cơ hội phát triển,…để có thể từng bước đi đến thành công!