09/05/2024
“Tôi mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ.”
It took me four years to paint like Raphael, but a lifetime to paint like a child.
(Pablo Picasso - Danh họa thế giới)
KHAI MỞ TƯ DUY _ Hành trình “đánh thức ngôn ngữ hội họa bản năng”
🌷Sự tò mò và ham muốn “tự bộc lộ mình”
Độ tuổi từ 04 - 10 là “giai đoạn vàng” để phát hiện tiềm năng về nghệ thuật và sớm tạo môi trường để nuôi dưỡng những “hạt giống” nghệ thuật trong mỗi cá nhân tiềm năng.
Các con luôn tò mò và có nhu cầu rất lớn đối với việc khám phá mọi thứ xung quanh mình. Vì vậy, chìa khóa trong giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là hội họa ở lứa tuổi này là thầy cô và cha mẹ, những người gần gũi với con cần hiểu được đặc tính tò mò và ham muốn tự bộc lộ mình của con để có phương pháp giáo dục phù hợp nhằm “đánh thức ngôn ngữ hội họa bản năng” trong trẻ.
Hội họa bản năng là quá trình “tự bộc lộ” ngôn ngữ của trẻ, quá trình này luôn bắt đầu bằng việc các con được tiếp xúc với sự vật, sự việc thông qua cơ chế làm việc của năm giác quan (có thể là việc nghe, nhìn - xem, chạm vào để cảm nhận, ngửi hoặc nếm để biết hương - vị).
🌷Khai mở ngũ quan
Khai mở ngũ quan là cách mà các con nhờ vào hệ thống giác quan của mình để tiếp cận với thế giới xung quanh, với người khác và với chính mình. Qua những tiếp xúc có tính trực quan, bên trong trẻ sẽ hình thành những phân tích về những thứ mà con nhìn thấy, con cảm nhận, từ đây, những hình ảnh, những cảm giác, những ý nghĩ, sự yêu thích, sự không hài lòng… của con được lưu trữ lại lại trong trí nhớ của mình. Điều kỳ diệu là những cảm nhận của các con ở lứa tuổi này dường như không bị ảnh hưởng bởi các quy tắc to - nhỏ; đúng - sai trong cộng đồng hay môi trường mà con đang sống (hay nói cách khác là “bất quy tắc”). Đó là sự trong sáng, hồn nhiên của cái đẹp dưới con mắt trẻ thơ.
Những chất liệu, dữ kiện, cảm giác được trẻ lưu giữ lại trong trí nhớ giờ đây sẽ tìm cách để “bộc lộ” mình thông qua những định dạng ngôn ngữ mà con có thể sử dụng như: ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết và ngôn ngữ tạo hình.
🌷Ngôn ngữ hội họa bản năng
Trẻ luôn có xu hướng bộc lộ mình và kể lại những điều mình thấy, những cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ riêng theo một trật tự logic nhất định trong tư duy. Vì thế, có bao nhiêu đứa trẻ thì có bấy nhiêu câu chuyện và bấy nhiêu cách kể mà cách diễn đạt nào cũng không trùng lặp.
Đối với những bạn nhỏ có thiên hướng kể chuyện bằng ngôn ngữ hội họa (tức là ngôn ngữ tạo hình), câu chuyện của con sẽ được thể hiện qua những bức tranh mà con sáng tác, ở đó, con có thể kể lại câu chuyện của mình hoặc có tính ẩn dụ hoặc có tính hiện thực. Điều này cũng là sự bộc lộ một cách bản năng của con về “sự thiên vị của con đối với cái đẹp” ở những loại hình khác nhau trong ngôn ngữ hội họa, cũng có thể là sự thể hiện sớm ngôn ngữ sáng tác chuyên nghiệp của trẻ từ lứa tuổi sớm.
Bởi vậy, việc tạo môi trường để con tiếp xúc với đa dạng các hình ảnh, âm thanh, màu sắc, hình khối, không gian - thời gian, thời tiết, con người, cây cỏ, các loài vật…là một điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để giúp con khai mở ngũ quan với mục đích làm phong phú đời sống và trải nghiệm của mỗi học viên.
Chương trình học tại luôn tạo điều kiện tốt nhất để con được khám phá văn hóa, chất liệu truyền thống, nghiên cứu trực quan hệ thống bảo tàng, tham gia các hoạt động ngoài trời, khám phá thiên nhiên để tạo ra môi trường nuôi dưỡng những “hạt giống”, để trong điều kiện giáo dục đó, giáo viên có phương pháp để đánh thức ngôn ngữ hội họa bản năng thể hiện ở từng học viên.
Hy vọng rằng, những nội dung chúng tôi chia sẻ đến quý Phụ huynh trong bài viết này có thể giúp ích cho quý phụ huynh trong việc hiểu con để đồng hành cùng con trên hành trình con khám phá ngôn ngữ hội họa bản năng của riêng mình.