11/09/2023
Bộ phim tài liệu “Yama - Không bao giờ gục ngã” (山谷─やられたらやりかえせ, 1985) (*) mở đầu với hình ảnh đạo diễn Mitsuo Sato nằm bất động trên đường và bị thương nặng. Ông đã không qua khỏi. Trước khi chính thức bắt đầu quay phim, đạo diễn Mitsuo Sato đã nói:
“Sẽ mất khoảng hai năm để làm bộ phim này. Trong thời gian đó, chúng tôi sẽ ở yoseba [khu ổ chuột cho người lao động] để kiếm sống như mọi người. Với việc thực hiện dự án phim, tôi muốn gột rửa những dơ bẩn đã tích tụ trên người trong tư cách là một nhà làm phim suốt 15 năm qua và hy vọng được tái sinh lần nữa… Bộ phim này khác hoàn toàn về mặt bản chất với những thứ được sản xuất bởi truyền thông đại chúng tư bản - điều mà khiến chúng tôi bị coi như đồng lõa với giai cấp tư sản…”
“Yama - Không bao giờ gục ngã” đã ra đời với tâm niệm đó - một bức chân dung chân thực về đời sống công nhân và cuộc đấu tranh giành lại quyền và nhân phẩm của họ, cụ thể là hơn 8.000 người lao động ở quận Sanya, Tokyo - giữa phép màu kinh tế Nhật những năm 80. Không ít trong số những người lao động này là dân nhập cư từ Hàn Quốc và Đài Loan. Họ phải đối mặt và chống đỡ lại một mạng lưới cấu kết giữa chính quyền, giới chủ tư bản và các băng nhóm yakuza. Vào những đêm đông lạnh, bọn cớm tuần tra thấy những người lao động khốn khổ nằm vạ vật ngoài đường, sẽ dập lửa để mặc họ chết cóng. Các băng nhóm đóng vai trò trung gian trong việc kiểm soát thị trường lao động đồng thời lừa đảo và cướp bóc công nhân qua các đường dây đánh bạc. Nguy hiểm hơn, các băng nhóm yakuza, các tổ chức phát xít và cảnh sát sẽ cùng phối hợp để đàn áp và dập tắt các cuộc biểu tình, đấu tranh của công nhân cũng như đe dọa các nhà hoạt động quyền công nhân. Nghiện ngập, bệnh tật, đói khổ và tình cảnh bị bức hại thường xuyên bủa vây đời sống hơn 8.000 người lao động nơi đây.
Trong vòng một tháng, đạo diễn Mitsuo Sato đã quay được một số cảnh, trong đó có cảnh cuộc đối đầu gay gắt giữa những người lao động và băng nhóm yakuza. Chính vì lý do này mà vào tháng 12/1984, ông đã bị một thành phần trong băng nhóm yakuza và tổ chức phát xít Yanamachi đâm trọng thương rồi qua đời. Vụ ám sát đạo diễn Sato đã châm ngòi nổ cho một cuộc bạo động biểu tình ở khu vực. Đạo diễn Kyoichi Yamaoka tiếp bước đạo diễn Sato và hoàn thành bộ phim rồi trình chiếu vào tháng 12/1985. Một tháng sau khi phim ra mắt, đạo diễn Yamaoka cũng bị bắn chết bởi thành viên của cùng băng nhóm và tổ chức đã sát hại đạo diễn Sato.
Suốt một thời gian dài, “Yama - Không bao giờ gục ngã” chỉ được chiếu tại các buổi gặp mặt của công đoàn và các nhà hoạt động quyền công nhân ở Nhật Bản cũng như các liên hoan phim nhỏ. Tổ chức sản xuất và trình chiếu phim YAMA không muốn tác phẩm được thương mại hóa dưới mọi hình thức. Cách đây ít năm, bộ phim cuối cùng cũng được đưa lên mạng. Một tác phẩm mà giá trị chỉ càng sáng rõ theo thời gian, không chỉ bởi sự quả cảm phi thường và những hy sinh nghiệt ngã của đội ngũ làm phim, mà còn trong những soi chiếu về mối quan hệ giữa nhà nước tư bản và mạng lưới tội phạm với việc đàn áp và dập tắt phong trào công nhân trên thế giới.
-------------------------------------------
Link phim với phụ đề tiếng Anh: https://tinyurl.com/k69x92hb
(*) Tên gốc của phim: Yama - Nếu bị đánh bại, hãy làm lại
Nguồn tham khảo:
Bjorkenheim, Cosmo. “Yama - Attack to Attack.” Screen Slate, đăng ngày 10, th. 11, 2019. https://www.screenslate.com/articles/yama-attack-attack.
Schindel, Dan. “The Labor Rights Film That Got Both of Its Directors Murdered by the Yakuza.” Hyperallergic, đăng ngày 7, th. 11, 2019. https://hyperallergic.com/526738/yama-attack-to-attack/.