30/11/2015
Rượu sake không đơn thuần chỉ là một loại đồ uống trong các bữa ăn, mà đối với người Nhật, rượu sake còn là một biểu tượng của nơi đây. Ý nghĩa văn hóa – tôn giáo đặc biệt ở chỗ rượu sake không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh.
Gạo là nguyên liệu chính để làm nên rượu sake và cũng là loại lương thực chủ yếu của người Nhật. Trong quan niệm của người Nhật Bản, thần của rượu sake chính là thần mùa màng. Do đó mà rượu sake giữ vai trò rất quan trọng trong nhiều lễ hội tôn giáo cũng như các sự kiện quan trọng như kết hôn: cô dâu chú rể sẽ được mời uống “3 hớp, 3 chén” rượu sake trong cùng một chén như là biểu tượng cho lời hứa bên nhau trọn đời.
Ngoài ra, việc sử dụng từng loại bình, từng loại chén đựng sake với kiểu dáng, màu sắc phù hợp với các mục đích khác nhau khi uống rượu sake cũng rất công phu và tỉ mỉ. Ví như chén Sakazuki là chén nhỏ và nông được sử dụng phổ biến nhất. Trang trọng hơn là Masu, có hình dạng như chiếc hộp. Ngoài ra, vào dịp Oshogatsu (lễ hội Năm Mới) hay các dịp ăn mừng, người Nhật cũng hay dùng chén Sakazuki và bình Choshi với màu đỏ và màu đen bóng. Để dâng cúng thần linh, loại bình màu trắng tinh khiết tượng trưng cho sự thiêng liêng sẽ được sử dụng.
Vì vậy, rượu sake được xem là nét độc đáo và đặc sắc trong văn hoá Nhật Bản.