02/11/2021
Ý NGHĨA TRẦU CAU TRONG ĐỜI SỐNG:
Dân gian ta có câu:
“Miếng trầu là đầu câu chuyện
Miếng trầu nên dâu nhà người”
Theo quan niệm của người Việt: trầu cau vừa biểu hiện văn hóa truyền thống, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Tục ăn trầu trở thành một nếp sống đẹp, từ việc tế tự, tang lễ, cưới xin, việc vui mừng, việc gì nhân dân ta cũng lấy miếng trầu làm trọng. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở và yêu thương nhau hơn.
Còn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bên cạnh đồ thờ cúng thì trầu cau còn là lễ vật quan trọng thể hiện sự tôn kính đối với thần Phật, tổ tiên.
Trong các dịp lễ hội, vào cửa quan, đám ăn hỏi, người ta thường têm trầu cánh phượng để tỏ lòng trịnh trọng và biểu hiện tài khéo léo, cái nét văn hoá trong tâm hồn người.
Trầu têm cánh phượng gắn liền với sự tích trầu cau, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nó vừa là tình yêu, vừa là nghệ thuật, là tài năng, là tính cách, là con người cá nhân hoàn thiện, hoàn mỹ. Trong đời sống dân gian, trầu têm cánh phượng đã trở thành một biểu tượng của quyền lực vua chúa: "con rồng, cháu phượng", "cha rồng, mẹ phượng". Chính vì vậy, qua hình ảnh trầu têm cánh phượng, là sự giáo dục con cháu một cách tinh tế cho cha ông ta. Đó là khát vọng, là tư tưởng nâng tri thức thành sự trường tồn, vĩnh cửu.
Hơn thế, trầu cau còn là biểu tượng cho sự tôn kính, dùng phổ biến trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ... Ngày tết, ngày hội phải có đĩa trầu để chia vui.
Trầu cau cũng thể hiện quan niệm về triết lý luân hồi, sự xoay vần của tạo hóa, sự biến chuyển, xê dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác của sự sống.
Tục ăn trầu còn tiềm ẩn một triết lý về sự hòa hợp Âm – Dương. Thân cây cau cao, thẳng đứng là biểu tượng của sự hướng dương, vôi là đá, hình phẳng là biểu tượng của âm.
Nguồn: sưu tầm