13/05/2018
Có bao giờ bạn thắc mắc đám cưới ở những nước bạn sẽ như thế nào không? Hôm nay là bài viết về đám cưới ở Hà Lan. Sắp tới sẽ là bài viết về đám cưới ở Hongkong nhé.
Đám cưới Hà Lan
Cuối năm ngoái, trên bước đường đi khám phá thế giới của mình, tôi có may mắn được mời đến dự một đám cưới mùa đông, cuối tháng 12 ở Hà Lan. Đó là một trải nghiệm rất dễ thương dù rằng thời tiết là thử thách với tôi.
Có lẽ người Việt mình bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ảnh Mỹ nên khi hình dung về đám cưới ở phương Tây sẽ là những buổi lễ thơ mộng và những buổi tiệc xinh xắn. Thực tế là văn hoá đám cưới ở mỗi nơi mỗi khác, việc tôn trọng phong tục tập quán nơi đó cũng là cách bạn tôn trọng văn hoá của họ.
Ở Hà Lan, đám cưới diễn ra gần như cả ngày, tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà sẽ có khác chút đỉnh. Thường thì buổi sáng, chú rể sẽ đón cô dâu ở nhà trên xe hoa rồi ra toà thị chính để đăng ký, có người chứng hôn. Khách mời thường là gia đình chủ yếu và một số bạn bè cực thân.
Sau nghi thức cưới hợp pháp, mọi người ra ngoài chụp hình, lúc này sẽ có nhiều phiên bản. Một số người không có khả năng đãi nhiều tiệc, cô dâu chú rể đi ra ngoại ô chụp ảnh, khách ra về, đến tối 8.30pm sẽ đến địa điểm đãi tiệc để tham dự tiệc cưới chính thức.
Một số đám, xe hoa sẽ đưa cô dâu chú rể đến nhà hàng hoặc nơi đặt tiệc, khách khứa (day guests) sẽ đến để dùng bữa trưa hoặc tiệc trà. Tối đó đến đây hoặc một nơi khác để dự tiệc tối.
Một số đám có điều kiện hơn, đặt ở những địa điểm cưới hợp pháp do nhà nước công nhận, có thể tổ chức nghi thức cưới với người chứng hôn, có thể lễ cưới diễn ra từ trưa kéo dài đến tối khuya.
Chú rể đón cô dâu ở nhà và đưa đến nơi làm lễ cưới. Khách đã đến sẵn và chờ cô dâu chú rể đến. Sau đó diễn ra nghi thức cưới, rồi chụp hình, tiệc trà sau đó ăn tối. Đối tượng khách thường rất giới hạn, không mời đại trà, thường chỉ tầm 50 người, chủ yếu gia đình là chính và 1 vài người bạn cực thân.
Sau bữa tối, cô dâu chú rể chuẩn bị đón khách, tầm 8.30g, khách khứa bắt đầu đến và đây mới là tiệc cưới chính thức cũng như mọi người hồ hởi đến hơn do rất thoải mái. Tiệc lúc này tuỳ thuộc vào mối quan hệ của cô dâu chú rể, có khi lên đến 200 khách. Chủ yếu là phục vụ rượu bia và thức ăn nhẹ. Mọi người đến vui là chính.
Tại bũa tiệc lúc 8.30 vui hơn và có nhiều hoạt động hơn như có DJ, có MC, có khi có video, chiếu slide, phát biểu, first dance v.v... Tất cả những hoạt động của tiệc cưới thường diễn ra lúc này. Cô dâu chú rể có điều kiện thì thường có thêm tiết mục đan xen như khách mời ra ngoài sân, đốt pháo cây để chúc mừng cặp đôi. Tiệc tối thường mời nhiều bạn bè hơn nên kết thúc cũng kèm theo việc cô dâu quăng bông.
Tiệc tàn lúc 12g đêm khi mọi người có những phút giây vui vẻ.
Cũng có nhiều phiên bản khác như có nhièu đôi ký giấy vào một ngày trong tuần và làm tiệc vào cuối tuần do người chứng hôn của nhà nước chỉ làm trong tuần. Có nhiều đám làm trong 1 ngày trong tuần luôn để tiết kiệm thời gian.
Sáng thứ 2, nhà nước có đám cưới tập thể dành cho những đôi không có điều kiện để có lễ cưới vì để đăng ký một nghi lễ trang trọng như vậy, cũng phải bỏ ra một số tiền để tổ chức.
Thế nên có những người không hiểu về phong tục đám cưới ở Hà Lan hay châu Âu, cứ nghĩ rằng tiệc lúc 8.30g tối là after party nhưng thật ra đây mới là tiệc chính và đa số khách mời đến dự lúc này. Sự văn minh ở chỗ: nhập gia tuỳ tục và tôn trọng văn hoá của nơi khác cũng là cách để mình học hỏi.
Có nhiều đám cưới đãi ở một nơi xa, khách mời đôi khi lái xe cả tiếng, rồi họ ngủ lại luôn do tiệc tàn đã khuya mà lại có men trong người. Tôi nhớ lần tôi được mời đi đám cưới, các bạn tôi đi làm về, thay đồ, cơm nước xong lái xe hơn 1 tiếng đến nơi, check in phòng khách sạn cũng vừa kịp cùng những nhóm bạn khác vừa tan làm, ăn tối xong đến dự tiệc.
Một số người châu Âu truyền thống sẽ kiêng mặc đồ màu đen trong đám cưới, thế nên chú rể thường ít mặc lễ phục đen mà thay bằng xanh navy, xám ghi v.v... Tuy nhiên, ở Hà Lan hiện giờ, người ta cũng cởi mở hơn và việc mặc đồ đen như phụ nữ mặc đầm đen đi dự đám cưới là bình thường. Nam giới đi dự lễ cưới mặc vest đen thì phổ biến còn chú rể hiếm khi thấy chọn màu đen.
Một điều kiêng kỵ nữa là trước đám cưới, chú rể không được thấy bộ áo cưới của cô dâu, nếu không sẽ không gặp may mắn. Tương tự cô dâu cũng không nhìn thấy bộ lễ phục của chú rể trước ngày cưới. Thường đám cưới diễn ra nguyên ngày nhưng cô dâu ít thay đồ như ở châu Á, có thể do váy cưới của cô dâu quá đắt nên họ thường chỉ mua 1 cái.
Đó cũng là lý do vì sao chú rể hay có những phút giây nghẹn ngào xúc động khi lần đầu tiên thấy cô dâu trong bộ áo cưới.
Lần sau tôi đi đám cưới ở nước ngoài, tôi sẽ mặc áo dài Việt Nam.
Mỗi nơi có truyền thống mỗi khác. Thế nên ông bà ta mới có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.