28/03/2024
THUỒNG LUỒNG TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI THÁI
Người Thái gọi thuồng luồng là "Tô ngượk", là vị "Vua" điều hoà sông nước, "chúa tể" của các các loài thuỷ hải sản. Thuồng luồng thường ở nơi nước sâu, thiêng, tiếng Thái gọi là "văng". Nhưng cũng có khi nó trườn lên trên cạn. Không ai biết hình dáng thuồng luồng ra sao, chi biết là nó giống con rắn nhưng có mào trên đầu, có nhiều màu sắc sặc sỡ, to như cột nhà hay cuộn cót, có một sức mạnh vô biên.
Người Thái hay gọi thuồng luồng bằng hai cách: Phi ngượk (ma thuồng luồng) hoặc Pua ngượk (Vua thuồng luồng).
Khi gọi là Phi ngượk nghĩa là thần ác, hay gây ra lũ lụt, phá hoại mương phai, làm mất nùa, ai vô tình bắt gặp thì rất sợ hãi đến ốm chết. Trong mưa to gió lớn, Phi ngượk có thể trườn lên sườn đồi làm sạt lở đất và cây cối... Đó là hiện tượng mà người Thái gọi là phi ngượk cướn (ma thuồng luồng dũi). Nhiều khi, Phi ngượk chui xuyên lòng đất, kéo tụt người, của, đôi khi cả bản xuống lòng đất, gọi là phi ngượk lốm (ma thuồng luồng thụt).
Khi gọi là Pua ngượk thì con vật lại mang nghĩa tốt, trở thành thần bảo hộ của bản mường.
Trong các truyền thuyết của người Thái Tây Bắc, con của Pua ngượk có thể hoá thành chàng trai tuấn tú đến quyến rũ các cô gái nghèo xinh đẹp hoặc biến thành cô gái xinh đẹp (con út của Pua ngựa) đi quyến rũ các chàng trai nghèo nhưng khoẻ, có đức, có tài. Người thường làm con dâu hay con rể của Pua ngượk được sống sung sướng trong vương quốc của vua thuồng luồng. Các cháu nội hay ngoại của Pua ngượk bao giờ cũng là các chàng trai tài giỏi, tuấn tú và có công với bản mường. Tuy nhiên, kết cục của các câu chuyện này thường là bi kịch khi chàng trai hay cô gái thấy vợ hay chồng mình hiện nguyên hình là thuồng luồng sợ quá phải bỏ chạy hay hoàng tử hoặc công chúa thuồng luồng cũng thấy không thể sống mãi với người nên phải về cõi nước vĩnh viễn.
Một truyền thuyết của người Thái Đen ở Mai Sơn (Sơn La) có Nong Kheo (Ao xanh) và Nong Bua (Ao sen) có câu chuyện như sau: Một gia đình người Thái có cô con gái xinh đẹp, nhưng rất hiếu động, thích lên rừng hái hoa ban và các loại rau rừng. Một hôm, vì mải mê công việc, cơn mưa rào kéo đến làm lũ ngập con suối về bản mà cô gái không biết. Khi quay về, cô không thể lội qua suối được. Nhưng, bỗng từ lòng suối lũ nổi lên một cây cầu bắc ngang suối. Nàng tưởng cầu thật cứ thế bước qua. Khi về đến nhà, nàng kể lại câu chuyện lạ cho bố mẹ nghe. Có điều lạ là càng kể nàng càng cảm thấy nhớ cây cầu. Từ đó, ngày nào nàng cũng ra bờ suối để được nhìn thấy cây cầu lạ. Nhưng, từ lòng suối không có cây cầu nào mà thay vào đó lại thấy một chàng trai đang mỉm cười với nàng. Thế là tình yêu nảy nở giữa cô gái và chàng trai. Sau này, cô mới biết đó là chàng trai thuồng luồng. Nhưng do quá yêu nhau nên họ đã thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái đông đúc.
Tại thành phố Sơn La, phía đầu nguồn dòng Nậm La có một chỗ thiêng nhất gọi là Văng Tong. Đây là nơi trú ngụ của thần thuồng luồng, chúa tể của suối Nậm La. Trước năm 1980, đây là vũng nước sâu, trong xanh đến rợn người. Ngập chìm trong nước là hình một con ngựa bằng đá mà dân ở đây thường là "mạ đao" (nghĩa là ngựa sao). Không ai dám đi qua đây một mình. Có việc qua đây, ai cũng phải cúi lạy, cả phìa, tạo cũng phải xuống ngựa mà đi bộ. Phụ nữ qua đây đều phải bỏ khăn piêu xuống và lặng lẽ bước đi. Tương truyền rằng, ngày xưa có một tốp con gái lên rừng hái lá d**g để đem về gói bánh chưng ngày tết. Rồi một cô gái xinh nhất đã trượt chân, rơi xuống hang sâu và mất tích. Hôm sau, một gánh lá d**g nổi lên tại vũng nước này, nên mới có tên gọi là Văng Tong ("văng" nghĩa là vũng nước sâu, "tong" nghĩa là lá d**g). Người ta nói, cô gái xinh đẹp kia đã bị thuồng luồng Văng Tong bắt về làm vợ.
Một câu chuyện nữa khiến cho Văng Tong càng linh thiêng hơn là: Hồi đó, một cô gái bản Nẹ Tảư đang kéo sợi dưới đêm trăng ngoài sàn tự nhiên mất tích. Bố mẹ cô và bà con dân bản đã lần theo sợi chỉ từ chiếc quay sợi của cô dọc theo con suối và chui vào chiếc hang ở Văng Tong này. Và người ta đã tìm thấy xác cô gái nằm sâu trong cái hang. Đó là do Pua ngượk Văng Tong đã đến bắt cô đi làm vợi.
Ở Phù Yên có câu chuyện Bả Khó (thằng nghèo) kể rằng có hai bố con nghèo quá thường mơ tới những điều tốt đẹp. Một hôm, họ thấy thuồng luồng có mào đỏ rực nằm vắt ngang quá giang "Khứ hươn". Người con bảo: Bố ơi đây là điềm gở. Người bố đáp: Gở cái gì, đây là ông bà tổ tiên của ta, thấy chúng ta nghèo quá nên họ mang vàng mang bạc đến cho. Nghe nói vậy, thuồng luồng bèn trườn xuống Văng Óm (vực thiêng ở Mường Tấc) rồi quật đuôi vào núi Pú Chạng từ đó vàng bạc tuôn trào, hai bố con tha hồ sung sướng.
Ở bản Chón (xã Mường Bú, Mường La) vẫn còn lưu truyền một câu chuyện như thật là Bả Cút (thằng cụt). Ông mo bản Chón đã bắt được một quả trứng. Ông đem về, cho vào ấp cùng ổ trứng gà đang ấp. Rồi quả trứng nở thành con thuồng luồng nhỏ. Ông rất quý nó, đi đâu ông cũng mang đi theo. Một hôm, ông đang làm ruộng, vô tình chiếc mai của ông đã sấn đứt cái đuôi con thuồng luồng, nên mới có tên gọi là Bả Cút. Khi con thuồng luồng lớn, không thể đem theo được, ông mới mang xuống mó nước thả và nói rằng ông không tiếp tục nuôi được nữa. Từ đó mó nước lúc nào cũng đầy tràn. Đến mùa làm ruộng ông Mo Chón chỉ cần đến gọi "Cút ơi, lấy nước cho bố đi" thế là nước lại tràn trề đủ tưới cho cả cánh đồng bản Chón. Sau đó con cháu ông làm mo đến gọi cũng rất thiêng. Ngày nay, nếu có ai đó đến mổ lợn, hay chó ở mó nước này thì chỉ một lúc sau là sẽ có cơn lũ trào ra để rửa sạch những thứ ôi tanh.
Ở Mường Muổi có "Nong Luỗng" (ao thuồng luồng, ao rồng). Thấy mảnh đất này cằn khô, có đôi thuồng luồng đã đào đất đá tạo thành ao để cung cấp nước làm ruộng cho cả vùng.
Tại Thẳm Bua (Châu Tiền, Quỳ Châu, Nghệ An), thuồng luồng vừa là thần linh, tổ tiên và đồng thời cũng có quan hệ vợ chồng với con người. Theo truyền thuyết, thần “Bó nặm” là ma thuồng luồng “Phi ngượk”. “Phi ngượk” là ông tổ của Khun Tính, Khun Tớng, kết quả của cuộc hôn phối giữa “Phi ngượk” và “Nàng Ni” con gái thần núi “Phi Pú phạ hung” (thực ra là người ở trần gian). Cho đến nay, trong hang vẫn còn phiến đá lớn phẳng là nơi ngủ của Nàng Ni, tiếng Thái gọi là Chong Nang (giường Nàng). Khun Tinh, Khun Tớng, sau này làm chủ đất Chiềng Ngam (Quỳ Châu, Nghệ An). Người Thái ở Quỳ Châu và các vùng xung quanh đều coi Khun Tính, Khun Tớng là ông tổ của mình.
Trong nhiều trường hợp, thuồng luồng được xem là thần linh hoặc tổ tiên của các tộc người nói tiếng Thái nói chung và người Thái ở Việt Nam nói riêng. Nhân dân đều biết ơn thuồng luồng, coi thuồng luồng là người có công chăm lo đến con người, trước hết là đem nước về cho các vùng cày cấy hay phù hộ, giúp đỡ con người. Sông suối được coi là nơi trú ngụ của thần nước, thường ở những đoạn nước cuốn thành vực hay vũng nước sâu (Văng nặm). Hàng năm, trước mùa mưa, người ta thường tổ chức cúng hiến sinh trâu, lợn, gà, vịt ngay trên bờ vũng nước đó. Có một tâm thức tín ngưỡng với nước là đặc điểm chung của các tộc người làm nông nghiệp. Ở người Thái, tâm thức đó được thể chế hóa bằng hình tượng thần nước dưới dạng thuồng luồng và bằng các lễ cụ thể.
Ngày trước, ở Mường La cứ vài năm một lần người ta thường tổ chức cúng Vua thuồng luồng riêng tại ba địa điểm. Địa điểm chính là Văng Tong ở xã Hua La ngày nay. Đây là một vực nước linh thiêng nhất ở phía đầu nguồn Nậm La. Đối tượng thờ cúng chính là Pua ngựa Văng Tong, nhưng mỗi lần cúng thì kết hợp cúng luôn rừng thiêng nên Thần rừng Nậm Tong cũng được sánh ngang hàng. Lễ cúng thường mổ 2 trâu (trắng và đen) cùng nhiều lợn gà. Cúng xong thường tổ chức phần hội: vui chơi, múa hát, các trò chơi dân gian...
Địa điểm thứ hai Đon Tế (nghĩa là bãi hiến sinh) ở xã Chiềng Xôm ngày nay. Đây là nơi con suối Nậm La chảy vào hang để chui qua núi Khau Pha và tuôn ra tại Nậm Bú. Đến mùa nước lũ, khu này dâng thành biển nước mênh mông, ở giữa là một vòng xoáy lớn, nuốt chửng được tất cả những cây gỗ dài, gia súc và tất cả mọi thứ trôi đến, kể cả con người... Mỗi lần cúng đều phải mất 1 trâu trắng và nhiều lợn, gà, vịt. Đặc biệt ở đây là người ta cúng toàn đồ sống, cúng cả con trước sau đó mổ ra lại cúng tiếp rồi vứt một phần xuống hang, giữ lại một phần đủ cho những người thực hiện lễ cúng ăn uống. Đối tượng thờ chính là Pua Nậm khảu hu (Vua nước chui vào hang). Lễ cúng ở đây không có phần hội (thậm chí còn được gọi là lễ cúng buồn). Ngày xa xưa, đây chính là nơi hiến sinh người (trai gái tân trinh). Người xưa quan niệm "Pua ngựa Nậm khảu hu" đòi người đến làm vợ, đòi gia súc gia cầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nên hàng năm mới cho lũ lớn đến cuốn trôi cả người, con vật và của cải khác, những thứ đó đều chui hết vào cái hang này. Nếu không thờ cúng hiến sinh thì Pua ngượk sẽ tức giận và lấy hết cả mường cả bản.
Địa điểm thứ ba là Cáy Chốk ở xã Chiềng Ngần hiện nay. Đây là nơi đầu nguồn của ao Da Bái (Da Bái là tên một nữ quái trong thần thoại của người Thái, nữ quái này chuyên ăn thịt người, đi đâu luôn cưỡi con lợn không ra đực không ra cái gọi là "mu xí phók hả lông" rất lợi hại). Nơi đây cũng là lưu vực của dòng Nậm La, là nguồn cung cấp nước gây lũ lụt lớn cho đoạn cuối suối này. Mỗi lần cúng đều phải mổ 2 trâu (1 đen, 1 trắng) và nhiều lợn, gà, vịt. Đối tượng chính thờ cúng là Pua ngựa Hua Bái, từ năm 1847 người ta đào ao Huổi Hin thì có cả Pua Huổi Hin. Sau phần lễ luôn tổ chức ăn uống và phần hội.
Còn các dịp xên mường thì họ lại tổ chức thờ cúng tại Đông Xên (Phường Chiềng Cơi ngày nay). Đây là lễ hội lớn nhất với mục đích chính là thờ cúng tổ tiên, các sĩ tử có công của nhiều thời đại. Nhưng kèm theo đó là thờ cúng các vị thần linh thiêng khác như thổ công thổ địa, thần rừng, thần núi, thần sông... Trong đó thần sông là Pua Văng Tong và Pua Nặm khảu hu luôn được chú trọng, vì họ coi hai Pua này là vị thần điều tiết mưa nắng, lũ lụt, liên quan trực tiếp đến đời sống của toàn mường.
Lễ hội cầu an cho bản mường của người Thái (xên bản, xên mường) luôn gắn liền với nghi lễ hiến sinh thờ thần nước, nguồn nước - vị thần gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh của cộng đồng. Theo quan niệm lâu đời của người dân bản mường, nếu không tổ chức lễ cúng toàn bản, toàn mường, không hiến lễ vật (trâu, cặp trâu) cho các vị thần linh thì sản xuất sẽ không thuận lợi, hay xảy ra hạn hán hoặc lũ lụt, thần linh không phù hộ cho được nhân khang, vật thịnh, cộng đồng bình an. Thường thì người ta tổ chức lễ cầu an cho mường trước, sau đó lần lượt làm lễ hội cầu an cho bản hoặc liên bản. Lễ hội này không chỉ bộc lộ khát vọng an lành cho cuộc sống, mối quan hệ khăng khít giữa thần và người mà còn biểu hiện khát vọng sinh sôi qua sự mong muốn là cầu khẩn mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi. Dần dà, lễ hội này còn mang tính chất tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho mọi người.
Ở Mường Muổi (Thuận Châu), hàng năm đều tổ chức 8 lễ cúng cấp mường, trong đó có 6 lễ “xên” và 2 lễ “tế”. Ở các lễ xên (xên tra là lớn nhất, sau đó đến xên mường; xên kẻ khók mường; xên xửa chiêng; xên xống khỏi phi hươn; xên phún ha lang đi), chủ yếu là cúng tổ tiên, các tử sĩ, các thần linh, trong đó có chẩu nặm “Pua Ngượk”). Sau các phần lễ đều tổ chức phần hội. Riêng 2 lễ tế (hiến sinh) là cúng hiến sinh riêng cho thần nước và thần núi. Hai lễ tế này chỉ có phần lễ, sau đó tổ chức ăn uống cho hết, không được đem về. Đó là:
- Tế đăm đón (hiến sinh đen trắng): Phải mổ 2 con trâu, một đen, một trắng. Trâu đen tế cho chủ nước “Pua Ngượk Pák Bôm” ở cửa con suối Bôm chảy vào Nặm Muổi. Trâu trắng tế chủ đất ở núi Đán Luông (núi đá rồng). Núi Đán Luông là nơi ngụ của các cụ chủ tổ tiên và chủ bên ngoại là Ămpoi.
- Tế Pák Muổi: Mổ một con trâu đen để tế “Pua Ngượk” Nậm Muổi. Tế tại cửa suối Nậm Muổi chảy ra sông Đà ở Mường Sại (chỗ này nay đã bị ngập bởi hồ Thuỷ điện Sơn La).
Ở Mường Muộk (Mai Sơn), có 12 loại cúng khác nhau. Mười hai loại ấy cứ ba năm một lần bố trí so le nhau và năm nào cũng phải có cả “xên” và “tế”. Trong đó có 9 loại xên: Xên pang một chiêng tảư; Xên pang một đông căm chiêng mưa; Xên kẻ khók mương chiêng tảư; Xên kẻ khók mương chiêng nưa; Xên pang ngai chiêng tảư; Xên pang ngai chiêng nưa; Xên tủm lắc mương; Xên pang peng hươn hóng; Xên kẻ một mường. Mỗi một loại xên sẽ có đối tượng chính để cúng, nhưng đều mời các thần linh đến tham gia, trong đó có các chủ nước “Pua Ngượk”. Cũng như các mường Thái khác, sau các phần lễ đều tổ chức phần hội cho dân chúng vui chơi, múa hát, chơi các trò chơi dân gian.
Các loại cúng “tế” gồm có 3 lễ sau:
- Tế đăm đón Văng Mương: Phải mất một trâu đen hiến sinh để tế chủ vực nước ngay chỗ mường (chỗ đất chiềng, trung tâm của Mường Muộk – tại bản Ban, Chiềng Mai ngày nay). Một trâu trắng là để tế thần núi của mường, gọi là Pu Mương, sát với Văng Mương.
- Tế chủ nước chiềng tảư: Tế một trâu đen cho chủ nước ở vực sâu phía dưới trung tâm mường (nay vẫn gọi Văng Chiêng tảư thuộc xã Chiềng Mai).
- Tế chủ nước chiềng nưa: Tế một trâu đen cho chủ nước ở vực sâu phía trên trung tâm mường (nay gọi Văng Đốm, thuộc xã Chiềng Kheo).
Ở 3 lễ tế này, chỉ tế riêng cho một mình chủ nước tại vực nước đó mà thôi (trừ Tế Văng Mương có trâu trắng tế thần núi). Người ta mang trâu đen ra ngay sát bờ vực nước rồi cho “po phăn” (người chuyên làm phép mổ hiến sinh) dùng dao, kiếm làm các động tác giết trâu (giả vờ) và đọc các lời cúng với ý nghĩa là: chảu nen mương (chủ hồn mường) giao nộp con trâu cho “vua” đây, hãy nhận lấy rồi phù hộ cho mường, đừng đưa nước đến bắt người và của cải của mường nữa nhé. Sau đó cho thanh niên khoẻ mạnh vào mổ trâu. Thịt trâu được để lại mỗi thứ một ít để thờ cúng, còn lại cho người đem đi nấu nướng phục vụ ăn uống cộng cảm. Phần thịt giữ lại sẽ được đầu bếp chuyên cúng chế biến thành mâm cúng. Mo mường sẽ đến cúng, vừa cúng vừa gắp những miếng thịt quăng xuống suối.
Trong lễ hội “Thẳm Bua” (hang Bua) tổ chức vào tháng 1 lịch Thái, nhân dân huyện Quỳ Châu (Nghệ An), kèm theo cúng tổ tiên và nhiều thần linh khác, người ta thường cúng thần nước “Phi nặm huổi ha” tại “Bó nặm” (Mỏ nước) ở cạnh hang Bua. Trong lễ này, người ta mổ trâu trắng để tế thần nước “Phi nặm”. Năm nào hạn hán kéo dài, người ta cũng tổ chức lễ cúng riêng, mổ trâu trắng cúng thần “Bó nặm”.
Ở Phù Yên có Ao ba cửa "Nong xam tạng" trên đỉnh núi Khau Li, là nơi ở của vua "Pua ngượk". Nhân dân thuộc ba vùng Phù Yên, Bắc Yên, Văn Chấn, nơi có ba con suối bắt nguồn từ Ao ba cửa đều rất coi trọng cái ao này. Họ đều cho rằng đó là nơi linh thiêng, nơi ở của vua nước "Pua ngượk". Nhờ đó mà có 3 cánh đồng lớn Mường Lò (Yên Bái), Mường Tấc (Phù Yên), Nong Đa (Bắc Yên). Nên khi tổ chức các lễ thờ cúng (mường, bản, nhà) đều mời "Pua ngựa Nong xam tạng".
Nguồn: Fb Ca Chung ( Sơn La)