04/05/2024
Hai vợ chồng mình đều hiểu để hôn nhân lâu bền thì không chỉ có tình yêu. Cuộc sống hôn nhân ngoài tình yêu còn đòi hỏi sự thấu hiểu, sẻ chia, tôn trọng và trách nhiệm.
Lúc mới yêu hai đứa cứ gặp nhau là quấn quít nhau không rời, đi chơi hết chỗ này đến chỗ kia. Khi đã kể hôn hai đứa ít thời gian cho những việc lãng mạng hơn bởi còn bận dành thời gian cho công việc, việc nhà, con cái.
Hiểu điều này nên cả hai đứa đều cố gắng để vun vén cho mối quan hệ này. Mỗi đứa tự biết nhường nhịn nhau một chút. Lúc rảnh hai đứa dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống. Tuy không viết ra thành văn bản nhưng hai đứa mình có những “quy tắc ngầm” để chăm sóc cho mối quan hệ này.
1. Mỗi người có một vai trò riêng, vai trò nào cũng quan trọng. Đi làm công ty kiếm tiền, hay ở nhà toàn thời gian chăm con, việc nào cũng có cái sướng cái khổ riêng. Hai con người với hai nhiệm vụ cùng ghép lại để xây dựng tổ ấm nhỏ, không so sánh việc của ai nặng nhẹ hơn. Nếu còn có dư thời gian và sức khoẻ, có thể hỗ trợ nhau một chút. Nếu đã mệt thì thẳng thắn chia sẻ với người kia rằng mình mệt, mình cần nghỉ ngơi, anh/em có thể hỗ trợ giúp được không?
2. Đừng đoán người kia nghĩ gì. Muốn biết người kia nghĩ gì thì mình phải hỏi. Mà muốn người bạn đời của mình hiểu mình hơn thì chính mình cũng cần phải nói ra. Một điều mình quan sát được ở nhiều gia đình xung quanh là mọi người không chịu nói chuyện thẳng thắn với nhau, thay vào đó là “đoán”. Đoán rằng việc này việc kia tốt nên không nói, đến khi người kia biết được thì lại có xung đột.
3. Thoải mái bộc lộ những tính xấu. Mình nghĩ rằng mỗi người chúng ta hàng ngày đi làm, ra ngoài xã hội gặp người này người kia đã phải “diễn” nhiều rồi. Nếu về nhà vẫn cần phải “diễn” với vợ/chồng nữa thì cuộc sống sẽ thật mệt mỏi. Chúng ta cần hiểu rằng lúc yêu thì mọi thứ đều đẹp, khi về với nhau rồi thì bớt đẹp hơn do chúng ta thấy được một số tính xấu của nhau. Tuy nhiên thật ra ai mà chẳng có tính xấu, điều quan trọng là chúng ta thể hiện cho nhau thấy, cùng nhau trao đổi để tìm phương án hoà hợp. Có những điều cần thay đổi để gia đình tốt hơn, có những điều khó thay đổi thì cần học cách chấp nhận.
4. Lắng nghe. Tính cách mình nghĩ khó học nhất trong một mối quan hệ với người khác là lắng nghe. Khi đã giận thì mình chỉ thích nói chứ không thích nghe. Chúng ta cũng đều giỏi việc kể lể nỗi khổ của mình hơn là lắng nghe nỗi khổ của đối phương. Vậy nên một phương pháp giải quyết xung đột hiệu quả là lắng nghe. Việc lắng nghe sẽ cho đối phương cảm giác được tôn trọng và trân trọng. Đồng thời, chỉ khi bạn lắng nghe được đối phương, bạn mới có thể hiểu rõ được họ đang nói gì, muốn gì mà không gây ra việc tranh cãi, bảo thủ vô lý.
Xin chúc cho các bạn là sẽ bình an hơn trong cuộc sống, sẽ hòa hợp hơn với chính mình và hòa hợp hơn với các mối quan hệ trong gia đình.