Lam Dao

Lam Dao Hanoi Based DJ

24/03/2023

LIÊN HOAN: HỒNG ĐÀO - LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH TRÊN SÀN NHẢY

Liên hoan là một từ đa nghĩa trong tiếng Việt, nó có nghĩa là tụ họp, chung vui, cũng bao hàm ý tưởng về một bữa tiệc. Nhưng đối với những người tổ chức cũng như những người tham dự, Liên Hoan là chuỗi hoạt động dành riêng cho nghệ thuật Underground, cho âm nhạc điện tử mà ở đó, tất cả thấy được niềm vui.

Liên Hoan là dự án được thành lập cuối năm 2020 bởi 1 nhóm DJ đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội gồm Anh Vỹ, Khôi Mai, Park Lee và Việt Anh - những người có chung niềm đam mê âm nhạc điện tử, từ Techno, House cho tới những thể loại phá cách, thể nghiệm khác.

Sau quãng thời gian đại dịch, những sân chơi dành cho Underground Việt trở nên đa dạng hơn và nhận được nhiều sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả nội địa. Liên Hoan là một trong những dự án đã có nhiều cố gắng trong việc tập hợp nhiều nghệ sĩ từ nhiều trường phái âm nhạc và nghệ thuật khác nhau trên khắp Việt Nam, tạo sân khấu cho tất cả thể hiện tài năng và tăng cường sự kết nối.

Điều làm nên sự khác biệt của Liên Hoan là giá trị cốt lõi - sự tự do trong nghệ thuật nói chung, trong âm nhạc nói riêng, để mỗi nghệ sĩ đều có thể tự tin thể hiện bản sắc riêng.

Các thành viên sáng lập Liên Hoan coi sàn nhảy và âm nhạc là nơi không biên giới, nơi gỡ bỏ đi những ranh giới, xóa nhòa đi những sự kỳ thị, bất bình đẳng giới trong xã hội. Đó là không gian an toàn, nơi mọi người thuộc mọi chủng tộc và giới tính có thể đến chia sẻ niềm vui với nhau - và vẫn được là chính mình.

Sau khoảng thời gian hơn 2 năm hoạt động liên tục, Liên Hoan đang dần trở thành "địa chỉ" được mến mộ với những tâm hồn yêu âm nhạc. Dự án từng có sự hợp tác, góp mặt trình diễn của những DJ tài năng trong cộng đồng Underground khắp Việt Nam như Larria, Jase, Di Linh, Lam Dao, TaoFu, Lâm Đạo Đạo, Khoa Bicycle, Viet Anh, Nyjah, SojuPeanut, Gia Huy, Anh Vỹ, Kin, Park:ING, Khoi Mai, BongBongQuayQuay; Nghệ sĩ trình diễn: Zoe Pham, Vinatapes, Chomhom AsianSquat, Ni Xinh, Jodey Ngo, 143Dress; Dự án ChoiDoHang…

“Liên Hoan là một bữa tiệc, để tôn vinh mỗi chúng ta dù là ai và có thể trở thành ai khi chung vui với nhau" - người đại diện Liên Hoan chia sẻ - 'Liên Hoan' là khoảng thời gian chất lượng dành cho bản thân, một cơ hội để mỗi chúng ta trút bỏ những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày để đến và khiêu vũ cùng nhau”.

Cuối tuần này (25.03), sự kiện Liên Hoan số tiếp theo - 'Liên Hoan: Hồng Đào' sẽ diễn ra tại không gian âm nhạc The Observatory, có sự góp mặt của nghệ sĩ thị giác Zoe Phạm, cùng những nữ DJ xinh đẹp và tài năng như TaoFu, Yasmiin.Ng và Bongbongquayquay trong một không gian đầy màu hồng, hứa hẹn 1 bữa tiệc sôi động của âm nhạc và cảm xúc.

02/12/2022

ĐI ĐÚNG HƯỚNG

Hôm trước tôi có tham dự một buổi talkshow mà một người bạn làm host về đề tài nghệ thuật đường phố, với sự tham gia chia sẻ của Nguyễn Hoàng Hiệp - một họa sĩ đang có triển lãm tại Ươm Art Hub. Buổi trò chuyện không đông, nhưng đủ chất lượng khi tập hợp đủ những người đang hào hứng nghe Hiệp và những khách mời, bạn bè nói chuyện, và quan trọng hơn là họ hào hứng lắng nghe những nội dung được truyền tải trong đó.

Hiệp là một nghệ sĩ Graffiti trẻ tuổi đang mang trong mình nhiều hoài bão lớn. Tôi không dám nhận mình là người trong cộng đồng của Hiệp, nhưng lắng nghe những câu chuyện của Hiệp, tôi phần nào thấu hiểu câu chuyện. Hiệp hay Trang Khoa hay nhiều bạn khác cũng đã, đang và sẽ trải qua những trải nghiệm trong câu chuyện làm và thưởng thức nghệ thuật của riêng mình nhưng không đứng ngoài dòng chảy của sự phát triển chung từ cái gọi là Nghệ thuật đường phố, là Underground, là "cống ngầm".

Họ cũng từ chỗ bị vô thừa nhận, nhận nhiều định kiến, tới chỗ nỗ lực khẳng định bản thân, rồi khi những cái tôi lên tiếng, sẽ luôn có những sự xung đột lẫn nhau, để rồi sau tất cả, họ lại có thể ngồi lại, thậm chí là "chung mâm" để đưa thứ nghệ thuật mà họ theo đuổi được phát triển và công nhận đúng mực.

Tôi có chia sẻ rằng: nhìn từ những bài học trong quá khứ, có thể, thứ nghệ thuật mà các bạn theo đuổi chưa tương xứng với những gì mà các bạn kỳ vọng, nhưng tin tôi đi, cứ cố gắng nỗ lực và đi đúng hướng, mọi thứ sẽ tiếp tục trên quỹ đạo phát triển của nó.

Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến Nhạc điện tử Underground tại Việt Nam.

Mới đây, tôi có tham dự một sự kiện âm nhạc tại Phú Quốc. Phải nói là tôi đã rất vui khi chứng kiến nó xảy ra. Bởi lẽ, với tôi nó không chỉ là một sự kiện nhạc điện tử thông thường mà là cả nỗ lực của Ban Tổ chức để sắp xếp 2 stage sân khấu 1 "thị" và 1 "chất" ở ngay cạnh nhau. Và quan trọng, đó là nơi mà tất cả từ khán giả, DJ, những người làm công tác phục vụ, tất cả… đều hòa chung vào không khí lễ hội, thay vì phán xét kèn cựa lẫn nhau. Càng vui hơn khi tôi được chứng kiến những người bạn, người anh em của mình, từ Bắc, tới Nam, đứng chung một sân khấu và chơi thứ âm nhạc trước nay vốn có khi là "trái dấu" tới mức chẳng thèm nhìn mặt nhau.

Sau sự kiện, tôi và những người bạn, người anh em của mình nán lại Phú Quốc mấy ngày để cùng jam. Đó có thể coi là màn "giao lưu võ công" giữa 2 miền Bắc - Nam, mà trên môi ai cũng nở nụ cười rạng rỡ và không quên gật gù cổ vũ lẫn nhau. Đó, với tôi, đó mới là điều thực sự giúp cho scene được thực sự phát triển. Nhưng mọi thứ luôn luôn là câu chuyện về sự nhìn nhận và phát triển.

Tôi là một thằng Bắc Kỳ khó, thừa hưởng sự cocky "đặc sản" của Hà Nội. Và trong những lần đầu tiên tiếp xúc với âm nhạc điện tử Underground của Sài Gòn độ 3 năm về trước, tôi đón nhận khá hời hợt.

The Observatory khi đó vốn đã được biết đến như một địa chỉ uy tín của scene tại thành phố này. Là một thanh niên "ngấm" Underground, tôi chắc chắn không thể bỏ qua điểm đến này. Nhưng thú thực, lần đầu tiên đến với The Obs, tôi không mấy ấn tượng. Sự cực đoan trong tôi từng vạch ra Techno là phải thế này, House là phải thế kia… Và điều đó cản trở khả năng cảm thụ âm nhạc của tôi.

Đấy, tôi chỉ là một khán giả, một người mê âm nhạc, còn có những suy nghĩ như thế, thì việc họ - những DJ theo đuổi thứ âm nhạc mà mình yêu tới mức tôn thờ, chắc chắn sẽ mất chút thời gian để công nhận những gì không thuộc về trường phái của mình, là cũng hay, cũng chất.

Mãi sau này, vốn kiến thức hạn hẹp của tôi mới được mở mang thêm khi các bạn nói cho tôi biết The Obs có thể coi là một trong những club Underground “chuẩn chỉ” đầu tiên ở Việt Nam và vẫn trụ vững tới ngày nay. Hôm nay (02.12) là ngày kỷ niệm sinh nhật 9 năm của The Observatory - Điều đó khiến tôi khâm phục những người điều hành, những con người đang hoạt động dưới cái tên này nhiều hơn.

Giờ đây, The Obs chắc chắn đã có thêm một khán giả khó tính nữa là tôi. Nhưng những Savage, The Warehouse, Mirage… ngoài kia, chắc chắn không mất đi "kẻ lắm chuyện" này. Công cuộc phát quang Underground, không còn là nhiệm vụ của riêng ai nữa, mà là của tất cả. Họ chia sẻ gig với nhau, cùng nhau mời về Việt Nam những DJ nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Nên đôi khi, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn những con đường khác nhau song vẫn có thể tiến về chung 1 đích đến, với cái nhìn tôn trọng, ghi nhận và cổ vũ cho hành trình từ những "phía bên kia".

Người anh em Cổ Động hỏi tôi rằng: "Ông không viết về Series này nữa à?" - Tôi không biết phải trả lời sao, có thể có, cũng có thể không. Chỉ là đôi khi, người viết hay người đọc, cũng cần chậm lại đôi chút để mà "cảm nhận cái con đường".

___
Bài viết được đóng góp bởi Mưn cho Cổ Động

Full timeline Weekend Voyage Festival is out now , b2b set with my bro  Vy at The Circle Stage
27/10/2022

Full timeline Weekend Voyage Festival is out now , b2b set with my bro Vy at The Circle Stage

Bạn nghe nhạc vì điều gì ?
30/09/2022

Bạn nghe nhạc vì điều gì ?

BẠN NGHE NHẠC VÌ ĐIỀU GÌ?

Hôm trước, tôi và cô bạn thân có nói chuyện về 1 DJ nhạc Trance mà cả hai rất hâm mộ. Ông chú vừa có 2 set nhạc tại Việt Nam - một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn. Trong khi tôi nghe set nhạc Hà Nội, bạn tôi nghe set nhạc của DJ đó ở nơi còn lại. Cuộc nói chuyện bỗng chốc trở nên căng thẳng khi cả hai có những quan điểm trái ngược về phần trình diễn của ông chú này và kết thúc bằng câu nói "Bây giờ anh khác ngày xưa nhiều, hay chê hơn…". Tôi không có gì để phủ nhận về điều đó. Vì, khi càng đào sâu nghiên cứu về thứ mà mình thích, với tư cách một khán giả, trong phạm vi tự do trí óc của bản thân, tôi tự cho mình quyền đòi hỏi nhiều hơn ở người nghệ sĩ thần tượng - người mà tôi tin chắc rằng có thể làm tốt hơn những gì mà tôi vừa được chứng kiến ở Hà Nội.

Nhưng ngược lại, tôi cũng không phủ định quan điểm của người bạn của tôi và bản thân mình cũng không thể trả lời một cách thỏa đáng cho người đối diện về những câu hỏi rằng: "Chơi như thế là quá hay rồi… Không hiểu anh còn chờ đợi điều gì… Anh còn mong muốn gì hơn nữa…". Bởi lẽ, câu chuyện vốn ngay từ đầu chưa bao giờ là trắng hay đen, là đúng hay sai, là nếu không phải thế này thì là thế kia. Vì suy cho cùng, mỗi đôi tai nghe nhạc, hay chỉ đơn giản là tìm đến chốn chơi nhạc, cũng luôn vì những mục đích khác nhau.

"BẠN NGHE NHẠC VÌ ĐIỀU GÌ?" - Câu hỏi này cứ xuất hiện và ám ảnh tôi sau cuộc nói chuyện với người bạn kể trên, khiến tôi phải tự lục tìm, sắp xếp lại quá khứ của mình, để tự trả lời nó cho bản thân. Với tôi, nó không hề là câu hỏi dễ trả lời.

Tôi, tự cho mình là người may mắn trong hấp thu âm nhạc, khi sinh ra trong một gia đình có cách biệt thế hệ tương đối lớn. Khoảng cách tuổi tác lớn giữa tôi và bố, tôi và anh ruột khiến ngay từ nhỏ tôi đã được lắng nghe âm nhạc MỘT CÁCH THỤ ĐỘNG từ nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc Cách mạng. Những Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Phạm Duy… hay thậm chí là Hồ Bắc, Phan Huỳnh Điểu… không quá xa lạ với tôi từ khi còn là một đứa trẻ.

Khi tôi bắt đầu có nhận thức là lúc anh tôi vào học đại học. Chuyên ngành Ngôn ngữ Tiếng Anh của anh vô tình giúp tôi "được" nghe nhiều ca khúc tiếng Anh qua radio, qua băng cassette - Nào là Boyzone, là Take That, là Backstreet Boys… Xưa hơn là The Beatles, là The Carpenters, là Abba, là Boney M. Và với trí óc của một thằng bé chuẩn bị đi học "đại học chữ to" trong giai đoạn đấy, tôi bắt chước hát theo như một cỗ máy mà thậm chí còn chẳng hiểu mình hát cái gì.

Một điều nữa, là thành phần "thêm nếm" trong gia đình có khoảng cách về thế hệ rất lớn, tôi được thương và cưng đến mức còn không đi học mẫu giáo. Chính vì lẽ đó, khi bước vào lớp 1, tôi gần như mù tịt về nhạc thiếu nhi và chẳng biết nhiều những ca khúc đúng lứa tuổi mà chúng bạn đều thuộc làu. Cảm xúc đấy nó lạ lắm. Nó là đan xen của tinh vi hãnh diện khi những đứa trẻ bằng tuổi mình không biết các bài hát mà mình biết, song cũng vừa là xấu hổ vì bị trêu chọc khi chẳng thuộc nổi nhiều ca khúc thiếu nhi mà cả lớp đồng thanh hát theo - điều mà 1 thằng nhóc cấp 1 khi ấy chẳng thể cắt nghĩa nổi.

Rồi có một giai đoạn gia đình tôi kinh doanh dịch vụ bán băng đĩa. Đó là giai đoạn mà những Đan Trường, Lam Trường, Phương Thanh… thống lĩnh thị trường nhạc Việt. Và với "lợi thế sân nhà" to lớn như thế, dĩ nhiên, tôi lại được cập nhật âm nhạc đang bắt trend một cách nhanh chóng. Gọi nó là lợi thế, nghĩa là tôi đã ý thức được về "thứ lấp lánh" mà nó mang lại theo tư duy một đứa trẻ. Hãnh diện không ư? Có chứ, khi mà tôi có đầy đủ sổ chép lời bài hát (đa số là "nhảy" của anh trai) để mang đến lớp KHOE KHOANG hay ngêu ngao hát theo những 'Tình Đơn Phương', 'Đêm Lao Xao', 'Chân Tình'…

Gu âm nhạc của tôi có lẽ được định hình từ những năm cấp 2 khi vô tình nghe được Linkin Park và Eminem. Trong khi một số bạn bè khác đồng trang lứa vập vào Rock, thì tôi lại chọn yêu Rap và HipHop/R&B. Không một bản hit nào tôi không biết và với khả năng tiếng Anh tương đối ổn, tôi gần như nằm lòng những bản nhạc mới ra và thịnh hành. Nếu sinh cùng thời với tôi, chắc khi đọc tới đây, sẽ có người từng trải qua cảm xúc của tôi: Rằng nếu mày không nghe nhạc giống tao, nghĩa là mày là thằng đ' biết nghe nhạc, mày là thằng nhà quê, thằng mù văn hóa… Đấy, đã có giai đoạn tôi nghe nhạc như thế. Câu chuyện này không đúng với tất cả, nhưng có lẽ với những thằng nhóc đang tuổi dậy thì, khao khát chứng tỏ bản thân, thì âm nhạc là thứ ngoài để nghe, còn là thứ để khoe nữa.

Khác với thời đại này khi mọi thứ được bày ra cho khán giả tới mức thừa mứa, trong thời đại mà tôi đang lớn, Google thì cũng chẳng "miễn phí". Vì chẳng phải nhà nào cũng có mạng Dial-up dùng qua điện thoại cố định, chứ đừng có nói tới ADSL hay cáp quang như hiện nay. Và để biết thế giới đang nghe gì, hay thậm chí là đào sâu xem tư bản ngày xưa nghe gì… cũng đều là tiền cả. Cứ thử chơi net quá 15 phút xem chủ quán có ra gõ đầu đòi thêm 500-1000VND không thì biết ngay.

Đấy, tôi không ngại thừa nhận rằng, bản thân từng nghe nhạc như thế, rằng đã có lúc từng tỏ ra "thượng đẳng" dở hơi với thứ âm nhạc mình nghe.

Nhưng mà nhé, chấp nhận đối diện bản thân, cả mặt tốt lẫn mặt xấu, chưa bao giờ là việc dễ dàng cả. Và thói quen nghe nhạc "thượng đẳng' đáng ghét ấy nó không chỉ ở trong biên giới của việc thưởng thức nghệ thuật, nó tràn sang những phạm trù khác của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách con người tôi. Tôi từng là một gã kiêu ngạo với những gì mình có. Có thể, cái tôi cao giúp tôi có được một số thứ mà người khác không có nhưng ngược lại, nó cũng khiến tôi trả giá rất nhiều trong cuộc sống này. Để rồi mãi sau này khi đã bước qua tuổi 30 được vài năm, cũng trải qua một số biến cố nhất định, tôi mới dần tĩnh lại, để nhìn nhận ra rằng, tất cả mọi thứ chỉ là những trò vặt vãnh, trẻ con… của tuổi trẻ. Để rồi, cũng từng có lúc một thằng ngoan cố như tôi, cũng phải thốt ra rằng: Ước gì…!!!

Điều đó giúp tôi không còn sa đà vào những cuộc tranh cãi hơn thua trên mạng xã hội hay trong đời sống. Tôi có một nhóm bạn sàn sàn tuổi, nghe nhạc giống nhau mà tôi hay mượn từ của Đen Vâu để gọi, đó là "đồng âm". Thi thoảng tụ tập, cùng nhau thưởng thức, tri ân tuyệt phẩm mà thượng đế đã ban tặng cho nhân loại – đó là Âm nhạc, chẳng phải đã là một đặc ân rồi hay sao?

Có những lúc lui tới event ở một số club chơi thứ nhạc tôi yêu thích, thi thoảng tôi vẫn bị làm phiền. Đó có thể là cú huých từ những người lạ - không chỉ một lần, là những cái giẫm chân vô ý, là những tiếng động khó hiểu lấn át cả tiếng nhạc, là ánh đèn flash từ điện thoại chụp hình như muốn tranh spotlight với người nghệ sĩ đang biểu diễn. Thế đấy, khi nghe nhạc ngoài cộng đồng, tôi đôi lúc vẫn mang sự khó tính như khi được chủ động sống trong thế giới âm nhạc của riêng mình, đôi lúc là ích kỷ, khi mong mỏi rằng một đám đông đều "đồng âm" và hưởng nhạc giống như mình. Nhưng khác với tâm thế "thượng đẳng" trong quá khứ, cái nhăn mặt của tôi nhanh chóng bị xoa dịu bởi suy nghĩ chấp nhận sự khác biệt về nhu cầu nghe nhạc trong cộng đồng này, hay rộng ra hơn là trong đời sống này. Vì tôi cũng từng như những "kẻ ồn ào" kể trên, theo cách này hay cách khác, và chẳng phải giờ cũng thay đổi rồi hay sao?

Quan điểm của tôi giờ là: Nghe nhạc để "LẤY SƯỚNG", chứ không phải nghe để "LẤY SỐ". Đơn giản nhỉ, nhưng nó không tự nhiên đến, đó là sự tự chiêm nghiệm và học hỏi.

VẬY CÒN BẠN THÌ SAO? BẠN NGHE NHẠC VÌ ĐIỀU GÌ?

P/s: Hôm trước, một cậu em DJ kiêm kỹ sư ánh sáng tại club có tiếng ở Hà Nội lại gần và bày tỏ sự thích thú với series bài viết của tôi. Tôi trả lời rằng, tôi không nghĩ mình đã đóng góp được bất cứ cái gì cho cộng đồng này. Nếu muốn cảm ơn, thì sẽ có rất nhiều người đã và đang thầm lặng đóng góp cho scene trong nhiều năm trời cơ (Mà tôi sẽ có dịp nhắc đến trong những bài viết tới đây). Tôi chỉ đơn giản là một người nghe nhạc và biết cách thể hiện sự đòi hỏi khó tính thầm kín của mình qua ngôn từ mà thôi. Và nếu may mắn hay trùng hợp những gì tôi viết ra có thể "gây ngứa ngáy" cho cộng đồng này, vậy thì quá tốt rồi.

___
Bài viết được đóng góp bởi Mưn cho Cổ Động.

28/09/2022

Hẹn mng tại sân khấu The Circle tháng 11 này nhé

19/09/2022

"CÁI TÔI"...

Hôm trước ngồi uống bia, vô tình gặp 1 ông anh DJ trong thế giới Underground rồi thế nào vô tình, câu chuyện lại đưa đẩy đến "cái tôi".

Để bàn về "cái tôi", anh DJ này có nhiều điều để nói. Anh có nhiều điều nhờ "cái tôi", nhưng cũng có nhiều điều hối tiếc từ nó. Sẽ không đúng nếu cho rằng anh không đóng góp gì cho Underground scene của Việt Nam vì thực tế, anh hoạt động lâu hơn nhiều người, cũng từng là nguồn cảm hứng của không ít DJ trẻ sau này - và vẫn đang hiện diện trong khi nhiều anh em chiến hữu đã rời bỏ con đường chông g*i. Với tôi, anh xứng đáng nhận được sự tôn trọng vì điều đó, vì đóng góp của bản thân cho Underground, theo cách này hay cách khác.

Tôi chưa từng là 1 fan của nhạc anh, cái này do gu. Nhưng tôi cũng được chính anh cho biết, cũng có những người không thích nhạc anh, thậm chí không thích anh vì cái tôi của anh.

Nói tới đây làm tôi nhớ tới 1 thần tượng của mình trong thế giới Rap/HipHop Việt. Tôi nghe nhạc của nghệ sĩ này từ 2006-2007 khi còn là một cậu học sinh cấp 3 mò mẫm lên các diễn đàn nhạc rap, rồi cũng lân la add Facebook anh ta như nhiều fan hâm mộ khác. Nhưng tôi lập tức có cái nhìn khác về "thần tượng" của mình, nếu không muốn nói là khá khó chịu. Tôi lựa chọn cách bỏ kết bạn, unfollow và thứ tôi còn quan tâm duy nhất là âm nhạc của người đó.

Có thể nói, tôi vẫn luôn đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của rapper ấy từng làm cho thế giới nhạc rap. Lâu lâu đi cùng đám bạn vẫn lôi nhạc người đó ra cover cho vui. Nhưng tôi chưa từng mảy may mong muốn tiếp cận hay biết về cuộc sống anh ta nữa.

Cho đến thời điểm hiện tại, thi thoảng người mà tôi nhắc đến ở trên vẫn ra nhạc. Có ý kiến cho rằng, anh ta vẫn đang âm thầm đóng góp cho cộng đồng - tôi miễn cưỡng không phủ nhận khi những thế hệ người nghe mới nhạc của anh ta vẫn xuất hiện. Và, anh vẫn được tôn trọng vì thâm niên, vì khả năng chơi rap thượng thừa mà cả rap Việt này không ai hồ nghi.

Nhưng với tôi, tôi nghiêng nhiều hơn về ý niệm rằng: Anh ta làm nhạc và bỏ lên mạng miễn phí, phục vụ nhiều hơn cho "cái tôi" của anh, vì tình yêu "như con tàu và sân ga" với rap của anh. Còn chuyện nhạc ra được đánh giá ra sao, có ích gì cho cộng đồng gì hay không, tôi nghĩ không phải vấn đề anh ta còn quan tâm nữa.

Phải mất rất nhiều thời gian, tôi mới chấp nhận sự thật rằng: Đứng dưới góc độ của một khán giả, có thể bạn yêu thích cái tôi trong nghệ thuật của người ta, không có nghĩa rằng bạn phải biết hay thích về con người người đó. Và ngược lại, nếu bạn có ghét người đó đi chăng nữa, cũng sẽ là đáng tiếc nếu vì thế bỏ qua những tác phẩm có giá trị từ nghệ sĩ ấy.

CÁI TÔI QUAN TRỌNG THẾ NÀO?

Trước khi bàn luận, có lẽ chúng ta cần phải thực sự hiểu "cái tôi" là gì?

Theo Wikipedia, trong triết học, "cái tôi" được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác. Trong phân tâm học, "cái tôi" là phần cốt lõi của tính cách liên quan đến thực tại và chịu sự ảnh hưởng của tác động xã hội. Nôm na, cái tôi để phân biệt bản thân với những cá thể khác tồn tại trong cùng một xã hội.

Vậy, lý tính nhìn nhận theo khía cạnh tích cực, cái tôi có lẽ là cần thiết, để mỗi cá nhân, cá thể được nhớ tới trong dòng chảy cuộc sống vô thường này. Và với những người hoạt động nghệ thuật (hay chí ít làm những công việc liên quan đến nghệ thuật), chắc chắn cũng không ngoại lệ. Một nghệ sĩ vĩ đại của nghệ thuật hiện đại Việt Nam là Trịnh Công Sơn cũng từng sớm đề cập đến cái tôi trong những bài viết, trong âm nhạc của mình.

Nhưng cái tôi ngoài cuộc sống với cái tôi trong nghệ thuật có giống nhau không? Và thể hiện cái tôi như nào là hợp lý? - Đó lại không phải câu hỏi dễ có lời giải.

Trong thế giới âm nhạc, Kanye West ra mắt 'My Beautiful Dark Twisted Fantasy' cũng từng nhận về nhiều chỉ trích trước khi được tung hô như hiện tại/ Trong thế giới đồng hồ, những sản phẩm giờ là biểu tượng của "nghệ thuật thời gian" như PP Nautilus, như AP Royal Oak – con đẻ của "Picasso" Gerald Genta, cũng từng ế ẩm khi mới ra mắt. Tôi đang ví dụ về những thiên tài trong lĩnh vực mà họ thành danh. Và cũng đề cập đến câu chuyện không phải lúc nào những cái tôi thiên tài ấy cũng trùng khớp với cái tôi của khách hàng – những người trực tiếp tiếp nhận sản phẩm mà các "đấng" mang tới cho thế giới… Đấy, ngay cả họ, những "one of a kind" cũng đã mất thời gian, thậm chí đã mất rất nhiều thời gian để "truyền giáo" cho các con chiên của mình có văn hóa thưởng thức như hiện tại.

Quy luật tự nhiên thật ra rất đơn giản thế này: Nếu bạn nghĩ mình đủ giỏi để thay đổi cuộc chơi, cứ làm tới! Cách còn lại, là thích nghi - Hoặc bị đào thải.

ừ thì bằng cách này hay cách khác, nếu đủ thực lực, thành công cũng sẽ đến với người nghệ sĩ. Nhưng sự cân bằng giữa cái tôi trong cuộc sống và cái tôi trong nghệ thuật, chắc chắn sẽ giúp người đó "đi đường tắt" với vô khối thời gian đỡ uổng phí. Tôi trân trọng và đánh giá rất cao những nghệ sĩ có tầm nhìn như thế!

CÁI TÔI "ĐỦ" TO, CÁI ĐẦU MỞ

Trở lại với sân chơi nhạc điện tử Underground còn rất mới mẻ tại Việt Nam, những tín hiệu vui có thể đã đến. Nhưng nó có phát triển tốt và đúng hướng hay không, điều đó còn cần thời gian để kiểm chứng.

Tôi tin rằng, scene ở Việt Nam đã qua rồi cái thời DJ chỉ cần có chỗ chơi nhạc, bên dưới lèo tèo dăm ba mống khách "biết nghe nhạc bảnh". Thị hiếu dần tăng cao, kiến thức của khán giả đã tăng lên đáng kể và từ đó những đòi hỏi dành cho những nghệ sĩ chơi nhạc cũng cao hơn rồi đấy nhé! Do đó, nếu trong 1 ngày xuống phong độ và "quét sàn", người DJ cũng nên xem xét lại bản thân.

Từ quan điểm đó, đồng ý, cái tôi nghệ sĩ là cần thiết, nhưng sự nhận biết sâu sắc về bản thân cũng quan trọng không kém. Khi một nghệ sĩ hiểu tài năng của bản thân ở tầm nào và vận dụng điều đó một cách linh hoạt và khôn khéo, có hit có fan, tôi không cho rằng đó là bán rẻ cái tôi trong nghệ thuật. Với tôi, đó là việc hạ thấp cái tôi bản ngã, để học lắng nghe, để ĐIỀU CHỈNH cái tôi trong nghệ thuật, hòa với cái tôi của tất cả mọi người. Tôi đánh giá cao những nghệ sĩ như vậy, thực sự đấy!

CÂN BẰNG chứ không XUNG ĐỘT giữa cái tôi khác với cái tôi nghệ thuật, chẳng phải tốt hơn rất nhiều sao? Vừa được chơi thứ nhạc mình yêu thích, vừa chiếm được cảm tình của khán giả, quan trọng hơn, vừa đóng góp để scene phát triển hơn - đó chẳng phải là điều anh em luôn đau đáu?

Nếu người nghệ sĩ còn mang tư duy "bọn không biết nghe nhạc", "không biết trân trọng nhạc tao" hay "chúng mày chưa hiểu được đâu"… để dành cho khán giả thì đấy - Có 2 tuýp: 1 - Anh/chị là thiên tài; 2 - À mà thôi. Vì nếu ở vào trường hợp 2, liệu người DJ đó có thực sự đang chơi nhạc "vì cộng đồng" không? Hay thực sự chỉ đơn giản để thỏa mãn cái tôi quá lớn và thiếu nhận thức về bản thân?

"Touching" (Cảm động) - là từ ông anh DJ nói với tôi sau bữa bia. Anh cảm ơn tôi vì đã hiểu, lắng nghe và bàn luận sôi nổi về chủ đề bản thân anh cũng trăn trở. Tôi hứa với anh sẽ đưa câu chuyện này đâu đó lên mặt báo hay chí ít là cõi mạng Việt Nam song cũng không quên giao hẹn: Hãy thuyết phục em bằng những set nhạc nhé!

___
Bài viết được đóng góp bởi Mưn, nằm trong chuyên mục thảo luận mang tên 'Một Góc Nhìn' của Cổ Động.

1 góc nhìn rất sát với thực tế về scene Underground của Việt Nam hiện nay . Thx tác giả ✍️👍
12/09/2022

1 góc nhìn rất sát với thực tế về scene Underground của Việt Nam hiện nay . Thx tác giả ✍️👍

NHỮNG "BÓNG MA" NHẠC ĐIỆN TỬ UNDERGROUND TẠI VIỆT NAM

Tôi có một anh bạn chơi khá thân, để mà nói về tình yêu với âm nhạc điện tử, hắn có thể so kè với bất cứ ai - khi sở hữu trong tay "thành tích hưởng nhạc" tại nhiều nước trên thế giới, phiêu lưu qua nhiều dòng nhạc khác nhau, từ Trance, House tới Techno… 2019, tôi quen hắn trong một cộng đồng yêu nhạc điện tử tại Hà Nội vì "đồng âm" - sau những lần đứng cạnh nhau, gật gù tán dương trong các sự kiện có nghệ sĩ lớn trên thế giới về biểu diễn. Nhưng khi biết hắn từng từ bỏ 1 công việc với thu nhập tốt để theo nghiệp DJ, tôi đã rất hồ nghi. Bởi, ở thời điểm ấy, DJ - lại còn là DJ chơi kiểu nhạc có thẩm mỹ, có đào sâu nghiên cứu - mà chúng tôi tự bông đùa, tâng bốc với nhau, gọi là "nhạc bảnh" - rất khó sống tại Việt Nam.

DJ chơi kiểu nhạc như người bạn của tôi, không phải mới xuất hiện ở nước mình, nếu không muốn nói là từ rất lâu trước khi người bạn của tôi đưa ra lựa chọn về nghề nghiệp. Nhưng đa số họ, kể cả những người gạo cội nhất, thường chỉ như những cái bóng vật vờ thoắt ẩn thoắt hiện trong những sự kiện âm nhạc lớn - nơi mà người ta thường chỉ chú ý đến headliner - những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, chứ chẳng mấy ai nhớ đến những DJ nội, vốn đã ít không gian để giao lưu, cọ xát, lại chịu lép về từ nhiều phía như sự quan tâm của công chúng, timeline chơi nhạc…

Suốt nhiều năm, họ đi đi, về về, đi đi rồi lại về về… lầm lũi trong bóng tối. Họ, gọi nôm na là những "bóng ma" của nhạc điện tử tại Việt Nam.

NHỮNG "BÓNG MA" CỦA NHẠC ĐIỆN TỬ VIỆT NAM

Bar, Club đã du nhập vào Việt Nam không ít thời gian và dần dần trở thành một thú vui bình thường với phong cách sống của chúng ta hiện đại. Với những gì không biết, người ta thường sợ. Mà thực tế, từng có quãng thời gian "nhạc sàn", "nhạc club" gắn liền với đầy tai tiếng phủ khắp các mặt báo. Nhưng khi văn hóa tiệc tùng này được phổ biến tới đời sống của giới trẻ Việt Nam. Qua rồi cái thời phụ huynh giận dữ mà cấm cản việc con cái đi chơi muộn vào mỗi tối – mà thực sự đã biết tỏng là đi đâu. Giờ thì cũng không còn gì là "sai trái" hay "tệ nạn" nếu một cuối tuần nào đó chúng ta lui tới đó để nhâm nhi vài ly bia, rượu hay lắng nghe vài điệu nhạc hay.

Rồi, đúng với quy luật tự nhiên của sự phát triển, khi chúng ta có ý thức về sự biết, chúng ta sẽ có mong muốn được biết nhiều hơn. Dù sao thì theo thuyết tiến hóa, điều tôi vừa nói, có thể không đúng với tất cả, nên nếu là một người hài lòng với việc lên bar, club để xả năng lượng hàng tuần, hay thậm chí hàng ngày, mà không quan tâm lắm đến âm nhạc, cũng chẳng bao giờ thắc mắc sao nhạc tuần này vẫn giống tuần trước, nhạc hôm nay vẫn giống hôm qua. Không sao cả, nhưng chí ít, nên biết rằng ngoài kia vẫn còn những DJ mong muốn được phát triển, làm mới mình mỗi ngày và thực sự coi âm nhạc là thứ gì đó lớn lao hơn công việc "qua bài để kiếm sống" mỗi ngày.

Làn sóng văn hóa nhạc điện tử bùng nổ tại Việt Nam những năm giữa của thập kỷ trước, là một cơ hội không thể tốt hơn để những người hâm mộ nhạc điện tử có cơ hội được lắng nghe, được thưởng thức và chứng kiến những DJ vốn trước đó chỉ thấy trên cõi mạng. Đó là sự khởi đầu, là nền móng để công chúng tiếp cận với văn hóa vốn đã được công nhận và thịnh hành tại châu Âu từ những năm 70-80 của thế kỷ trước.

Những năm tiếp theo, nhiều sân chơi mới thỏa mãn giới mộ điệu nhạc điện tử liên tiếp xuất hiện, những DJ nổi tiếng thế giới lũ lượt về xứ An Nam trình diễn ngay cả khi Việt Nam nói không với hoạt động lễ hội âm nhạc sau "thảm họa" Trip to the Moon (2018).

Rồi từ chỗ phải hấp thu văn hóa nhạc điện tử một cách thụ động, những người yêu thứ âm nhạc này bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm tòi, khám phá chúng, theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh những người lựa chọn cách "đi tắt, đón đầu", tiếp cận trực diện với công chúng bằng những thứ âm nhạc thịnh hành, dễ nghe, dễ cảm và trendy - như những năm trước là Trance, là Progressive hay mới đây nhất là Melodic Techno, có những người chấp nhận việc đào sâu tìm hiểu vào cội rễ và đi lên từ "cống ngầm".

Cũng dễ hiểu thôi, khác với thời những con người mộ điệu thứ âm nhạc chưa nhiều người biết, hoặc bị gắn mác định kiến, phải hoạt động thành những nhóm nhỏ, ít công khai – mà trên thế giới được cho là từ dưới "hang", dưới "rãnh" - sau cùng - vẫn có những DJ lựa chọn tinh thần, văn hóa Underground tự do phóng khoáng một cách tự nguyện.

Có thể bạn chưa biết, nhưng nhạc điện tử theo trường phái Underground đã manh nha tồn tại ở Việt Nam từ nhiều năm trước, sớm hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.

Khoảng 2014-2015, tôi được mời đi nghe nhạc của 1 người bạn của bạn tôi. Trước ông này là rocker, sau chuyển hướng sang làm DJ. Mà ngay cả DJ cũng là kiểu không giống ai. Khi trên thế giới đang thịnh EDM, tôi đã thấy hắn mày mò với những thứ âm thanh khô đét, khó nghe, khó cảm tới… khó chịu. Mà với vốn kiến thức và tầm hiểu biết của một người không quá into với thế giới nhạc điện tử Underground khi đó, xin thú thực là tôi không hiểu hắn chơi nhạc gì.

Ở vào thời điểm đó, chắc chắn đấy không phải là câu chuyện của riêng tôi.

Còn 2022 là một câu chuyện khác. Giờ đây, nhắc đến tên người bạn đó là nhắc đến DJ ít nhiều có tiếng tăm trong thế giới Underground, không chỉ ở Việt Nam mà là trên thế giới. Thậm chí, hắn còn là một trong số ít những người Việt Nam được trình diễn 1 set nhạc tại "thánh địa Techno" ở Berlin - điểm khơi nguồn của nhạc điện tử thế giới.

Song 8 năm hoặc thậm chí lâu hơn là những gì mà cậu ấy bỏ ra để đổi lấy được sự tôn trọng như hiện tại. Cuộc sống của cậu ấy có dễ dàng không ư? Từ những gì tôi được biết, tôi không nghĩ là CÓ, hoặc chí ít là không dễ dàng như những gì mà chúng ta có thể hình dung về 1 DJ nổi tiếng.

Trên đây chỉ là 1 câu chuyện cụ thể, còn ngoài hắn ra, ngay tại Việt Nam, cũng đã và đang có rất nhiều người theo đuổi, chia sẻ chung tư tưởng về âm nhạc với cậu bạn mà tôi nói đến ở trên.

Với tất cả sự tôn trọng, tôi đề cao công việc của họ vì con đường họ đi, chắc chắn là chông g*i hơn nhiều, so với những gì người ta lầm tưởng về 1 nghề DJ.

SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA "CỐNG NGẦM"

Trở lại với câu chuyện về người bạn mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết. Sau vài năm, và đặc biệt là sau C.O.V.I.D-1.9, tôi thực sự phải có cái nhìn khác về cậu bạn này. Dù có đôi tai biết nghe nhạc, khắt khe có thể coi là khó tính, bản thân tôi cũng dần bị thuyết phục qua nhiều lần nó mời đến nhà "dự giờ" trực tiếp với thời lượng nghe nó chơi nhạc không đếm xuể. Suốt quãng thời gian dài giãn cách xã hội cũng là lúc tôi nhìn thấy ở nó năng khiếu CẦN để chơi nhạc và tin rằng nó có niềm đam mê ĐỦ để có thể gắn bó lâu dài với nghề nghiệp đầy chông g*i này. Giờ đây, mỗi khi nó đứng trước bộ CDJ với vẻ hào hứng đầy say mê, chơi thứ âm nhạc mà nó thích, bên dưới là khán giả hò vang tên nó, tôi cũng cảm thấy vui lây.

Nhìn rộng ra, thực tế trước C.O.V.I.D-1.9, đã có những "sân khấu" uy tín để các DJ Underground trình diễn thứ âm nhạc mà họ yêu thích. Nhưng đứng cạnh họ trong những đêm diễn, là những gương mặt gạo cội, uy tín, được mời về từ khắp thế giới. Vô hình chung, những set nhạc những câu chuyện mà họ mong muốn gửi gắm tới khán giả trở nên "lép vế" hơn ở khía cạnh sự quan tâm. Có thể, theo một góc nhìn nào đó, họ "nhàn" hơn trong công việc của mình, nhưng việc thiếu đi những đôi tai khó tính - những khán giả công tâm, hay thậm chí là thiếu đi "lửa nghề" để trình diễn, vô hình chung cũng tạo rào cản cho những sự phát triển.

Rồi C.O.V.I.D-1.9 đến, làm thay đổi cả thế giới, tất nhiên, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong câu chuyện này, đối với những DJ Underground, đó cũng là dịp để họ tĩnh lại, có thời gian hơn tập trung đào sâu hơn cho âm nhạc. Và rồi khi xã hội dần ổn định trở lại, dàn DJ Việt Nam từ Bắc vào Nam cho thấy một sự chuyển mình đáng kinh ngạc.

Trong bối cảnh những DJ nước ngoài khó tới Việt Nam (vì vẫn còn những rào cản thời hậu C.O.V.I.D-1.9), sàn diễn được nhường lại cho những tay chơi đất Việt. Cầm trịch đêm diễn một cách thường xuyên hơn, khán giả lắng nghe tập trung hơn, những sàn nhảy đông đúc hơn, rồi sự ganh đua đến từ chính những gương mặt nước nhà… khiến mặt bằng chung chất lượng âm nhạc của các DJ Underground cũng vì thế mà tăng cao.

Nếu thấy 1 event toàn DJ Việt Nam mà vẫn "không có chỗ để nhảy" thì cũng đừng lạ vì nếu đi thử, rất có thể bạn sẽ chuyển từ trạng thái từ thích thích, thành yêu yêu, rồi thương thương đấy.

Không ngoa khi cho rằng, trình độ giữa Việt Nam và quốc tế đang dần được thu hẹp lại. Và sẽ chẳng có gì là vô lý nếu những DJ Việt nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ khán giả ngay cả khi đứng chung sân khấu với những tên tuổi lớn.

Chúng ta sẽ sớm thấy thôi, ngay những dịp cuối năm 2022 này.

P/s: Có quá nhiều gương mặt, có quá nhiều địa điểm đóng góp cho sự phát triển chung của nhạc điện tử Underground Việt Nam mà tôi muốn Shout out, nhưng không thể kể hết. Tốt hơn chăng hãy để mọi người tự tìm hiểu như đúng tinh thần Underground? If you know you know, nhỉ?
..
Bài viết được đóng góp bởi Mưn.

Address


100000

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Lam Dao posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Lam Dao:

Shortcuts

  • Address
  • Alerts
  • Contact The Business
  • Claim ownership or report listing
  • Want your business to be the top-listed Event Planning Service?

Share