Mộ Điệu Cải Lương

  • Home
  • Mộ Điệu Cải Lương

Mộ Điệu Cải Lương Trang lưu giữ nét đẹp cải lương xưa.

10/12/2021

Ông Bảy Viễn Châu vẫn giữ tờ 1 đồng bạc mà vị ân nhân tình cờ gặp ở Chợ Giồng Ông Tố (nay là Chợ Bình Trưng) khi ông 19, 20 tuổi đã tặng cho ông trong một đêm ông bị lạc gánh hát rong.

Ông đã khóc khi kể lại câu chuyện này khi Vafaco thực hiện phóng sự về ông.

Thật cảm động.

Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: NSND Bảy Nam, soạn giả đầu tiên của cải lươngTác giả bài viết: Hoàng KimCó lẽ hầu ...
30/09/2021

Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: NSND Bảy Nam, soạn giả đầu tiên của cải lương

Tác giả bài viết: Hoàng Kim

Có lẽ hầu hết soạn giả cải lương đều là những cây bút nam giới với tên tuổi và số lượng hùng hậu. Tuy nhiên, phụ nữ cũng đã góp mặt vào làng cải lương với những tên tuổi đáng nể dù hiếm hoi.

Năm 2005, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh NSND Bảy Nam ở hạng mục Nữ soạn giả cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Mở lại lịch sử, bà Bảy Nam chính thức bước lên sân khấu từ lúc 14 tuổi (năm 1927), và chỉ 5 năm sau (1932), lúc mới 19 tuổi, bà tự đứng ra lập gánh hát riêng tên gọi Nam Hưng. Từ đó, bà không chỉ gánh trách nhiệm diễn viên mà còn gánh cả vai trò làm bầu, ngoại giao, lo cơm áo gạo tiền, lo ý tưởng, kịch bản. Tất nhiên, gánh hát có soạn giả cung cấp kịch bản, nhưng bà có những ý tưởng riêng của mình, có con mắt nghệ thuật riêng, và bà bắt tay vào công việc chấp bút.

NSND Kim Cương, con gái bà, cho biết: “Theo các giấy tờ má còn để lại, tôi soạn ra xem, thì má bắt đầu viết khoảng năm 1935, 1936. Hồi đó gánh nào cũng hát tuồng Tàu nhiều lắm, nên má viết Chung Vô Diệm, Trảm Trịnh Ân, Tiêu Anh Phụng, Điều Tam Xuân báo phu cừu… Vở Na Tra lóc thịt má viết để “lăng xê” tôi khi mới 6 tuổi. Rồi khi tôi 19 tuổi, má viết vở Phấn hậu cung, tôi đóng vai nam, là thái tử Ngọc Giao; cộng với vai A Liễu trong vở Giai nhân và ác quỷ (của soạn giả Duy Lân) đã đẩy tôi lên, để tôi được báo chí đặt biệt danh kỳ nữ Kim Cương”.

Như vậy, những kịch bản của bà Bảy Nam đều đạt chất lượng rất cao giúp nghệ sĩ thăng hoa, được khán giả và báo chí công nhận. Bà còn viết cả tuồng sử Việt như Mánh Lê Tắc, Gươm vàng máu đỏ, Lê Lợi khởi nghĩa… với tinh thần yêu nước nồng nàn.

Có một điều đáng nể là bà Bảy Nam viết được cả tuồng xã hội, trong khi tuồng xã hội lúc ấy mới manh nha không lâu. Bà viết Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam được khán giả vô cùng yêu thích. NSND Kim Cương kể: “Má viết Người đàn bà Việt Nam năm 1950. Lúc đó, tiếng Việt gọi “đàn bà” chứ không gọi “phụ nữ” như bây giờ. Nội dung kịch bản lấy cảm hứng từ một câu chuyện thật, kể về một bà luật sư cứ lo làm việc, lo đi cãi cho người ta mà lơ là chuyện gia đình. Ông chồng lại đóng vai trò nội trợ ở nhà nấu cơm. Bà luật sư không có thời gian dành cho chồng, bởi vì bà bận tiếp khách liên tục, mà ai muốn nói chuyện với luật sư thì phải trả tiền, tính theo giờ. Thế là ông chồng âm thầm đăng ký nói chuyện với vợ bằng cách đó. Ông bảo: “Muốn nói chuyện với em khó quá, anh đành phải làm vậy”. Khán giả cười nghiêng ngả”.

NSND Kim Cương kết luận rằng má mình hồi đó cũng biết thủ pháp châm biếm hài hước, rất mới mẻ so với kiểu viết “chính kịch” thịnh hành. Rõ ràng đề tài về phụ nữ rất mới và rất thu hút, khi mà họ vừa được bước chân ra xã hội, chưa biết cách cân bằng giữa công việc và gia đình gây nên những trái khoáy, chưa được chấp nhận, chưa được thông cảm. Kim Cương cười: “Bây giờ thời thế đổi thay, phụ nữ đi làm, đàn ông nội trợ có khi thấy bình thường, chứ hồi đó là chuyện kinh khủng lắm, nói chi tới việc muốn nói chuyện với vợ phải bỏ tiền thuê theo giờ. Chính vì má tôi đã đánh đúng vào phong trào nữ quyền, tìm lối ra cân bằng cho phụ nữ, mà vở tuồng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt”. Và Kim Cương còn nhớ bà có trông thấy những tấm ảnh bà Bảy Nam đóng vai chính, mặc áo luật sư, in trên các báo.

Hỏi bà Bảy Nam viết tuồng vào lúc nào trong khi công việc quá bộn bề, NSND Kim Cương buột miệng: “Thì cũng như hỏi tôi viết kịch bản lúc nào khi tôi cũng y như má, vừa làm bầu, vừa làm diễn viên, vừa lo trăm công ngàn việc cho đoàn kịch Kim Cương vậy. Chắc má cũng như tôi, viết khi các con đã ngủ say, viết trên đường di chuyển gánh hát, viết lúc dừng chân nơi bến chợ, bến đình… Bất cứ nơi đâu cũng gây cảm hứng cho mình”.

Bà Bảy Nam đã sinh ra cô con gái Kim Cương giỏi không thua gì mình, cũng tự lập gánh hát riêng khi mới 19 tuổi, cũng viết mấy chục kịch bản trong lúc bộn bề gánh nặng. Và bà đã ngưng đoàn cải lương để chuyển sang phụ với Kim Cương phụ trách đoàn kịch. Bà góp ý kịch bản cho Kim Cương, bà hỗ trợ rất nhiều khi bước lên sàn diễn, biến nhân vật mà Kim Cương ấp ủ trên trang giấy trở thành sống động, tuyệt đẹp trong lòng khán giả. Kim Cương bùi ngùi: “Dù má tôi viết cải lương tất nhiên giọng văn xưa hơn tôi viết kịch, nhưng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ má. Ảnh hưởng tình cảm, ảnh hưởng đạo đức, khiến tôi tạo nên những câu chuyện, những nhân vật lay động lòng người”.

Nguồn: https://m.thanhnien.vn/van-hoa/nsnd-bay-nam-soan-gia-dau-tien-cua-cai-luong-1455992.html

Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: Nhị Kiều - soạn giả có nhiều kịch bản nhấtTac giả bài viết: Hoàng KimNếu NSND Bảy ...
30/09/2021

Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: Nhị Kiều - soạn giả có nhiều kịch bản nhất

Tac giả bài viết: Hoàng Kim

Nếu NSND Bảy Nam được tôn vinh là nữ soạn giả đầu tiên của cải lương thì Nhị Kiều được tôn vinh là nữ soạn giả viết nhiều kịch bản cải lương nhất. Có hơn 100 kịch bản dài cùng khoảng 1.000 bài vọng cổ được bà viết trải dài hơn 40 năm từ lúc trẻ cho đến khi hơn 80 tuổi.

Còn nhớ khoảng năm 2002, tôi lặn lội ra Bình Dương tìm soạn giả Nhị Kiều (tên thật: Quản Thị Minh Nguyệt) để viết bài, sẵn thăm nghệ sĩ Tám Vân (Lê Văn Tám) - chồng bà nghe nói cũng già yếu. Tôi ái mộ bác Tám Vân, một nghệ sĩ diễn và dàn dựng rất giỏi, từng dìu dắt thế hệ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Tú, Mộng Tuyền, Bảo Quốc… Hai ông bà rời Sài Gòn ồn ào, về sống trong một khu vườn xanh mướt cây trái, nhưng ở khá sâu trong thôn ấp, tôi phải nhờ cậu thanh niên cháu của bà Nhị Kiều ra đón và dẫn vào. Bác Tám ít nói, chỉ có bà Nhị Kiều xởi lởi nói chuyện.

Tôi thật sự ngạc nhiên vì lúc đó bà đã 81 tuổi, người rất gầy nhưng lại nhanh nhẹn, minh mẫn, trí nhớ không giảm sút tí nào; hỏi đến chuyện nào, người nào, bà đều nhớ vanh vách. Tôi lại giật mình vì bà nói bà vẫn còn sáng tác lai rai. Bà vừa chăm chồng bệnh, vừa có thể cầm bút ở cái tuổi 81, thật không thể tưởng tượng! Bà cười: “Người ta đặt hàng mà, cũng kiếm tiền sống được. Viết cũng là cách luyện não để đừng bị lẫn đó!”. Đâu chỉ những bài vọng cổ ngắn, hoặc chập cải lương ngắn mà cả tuồng dài, bà cũng viết được. Hình như trời cho sức lực như thế không được mấy người.

Gia tài kịch bản đồ sộ

Thực sự với kho tàng kịch bản đồ sộ của bà trước kia, luôn được các đoàn hoặc hãng băng đĩa lấy ra tái dựng thì tiền nhuận bút cũng về đều đều. Hai ông bà có đôi chút thiếu hụt thì con cháu bù đắp. Quả thật, kịch bản của bà rất nhiều vở ăn khách, chẳng hạn Nắng sớm mưa chiều, Truyền thuyết tình yêu... đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ lên đỉnh cao như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Kiều Phượng Loan. Hoặc Mùa thu lá bay (viết chung với soạn giả Thế Châu) đã giúp Bạch Tuyết tỏa sáng trong vai Hàn Ni và Minh Phụng trong vai Văn Lâu.

Văn phong của bà rất nhẹ nhàng nhưng triết lý thâm sâu, và bà vẫn muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn dã sử để gửi gắm những suy tư thăm thẳm về cuộc đời. Nhưng nhìn chung, thế mạnh của bà là mảng kịch bản xã hội, rất gần gũi cuộc sống, lại ngọt ngào tình cảm, cứ xoáy vào trái tim người ta mà thôi. Giọt mưa thu, Thân phận má hồng, Những mảnh đời, Tố Tâm, Vết thương kỷ niệm, Vị đắng lá sầu đâu, Lỡ chuyến đò thương, Tắt đèn, Huyền thoại một tình yêu, Những đứa trẻ lạc loài, Đầu đường xó chợ... đều là những tác phẩm ăn khách một thời.

Hỏi lại kỷ niệm lúc mới bước vào nghề, bà cười cười nhìn bác Tám Vân: “Sư phụ của tôi đó. Nhờ ổng chỉ dẫn mà tôi mới giỏi nghề. Thật lòng, tôi chăm sóc ông không chỉ với tư cách vợ chăm chồng, mà còn với tư cách người học trò tri ân thầy mình. Có ổng, tôi mới có chút tiếng tăm như ngày nay, và tất nhiên cũng có tiền để chăm lo cho gia đình”. Quả thật, nhìn cái cách bà rót nước cho ông, bà dọn cơm, loay hoay bên ông, thấy rõ sự kiên nhẫn vô bờ, sự tận tụy lạ lùng, không còn là bổn phận nữa mà là một thứ tình nghĩa rất nặng sâu.

Bà kể cái hồi làm phụ tá cho ông ở đoàn Thanh Nga, ông rất khó tánh, sai một chút là ông rầy, ông chỉnh. Nhưng chính nhờ sự khó tánh và nghiêm túc đó mà đào luyện nên một cô Nguyệt cẩn trọng, tinh tế. Từ vai trò trợ lý, cô Nguyệt mê luôn sân khấu, mê luôn ông thầy của mình và lao vào cầm bút. Ông Tám Vân chỉnh sửa, chỉ bảo, truyền kinh nghiệm cho cô Nguyệt rất nhiệt tình. Đến năm 1960 thì cô Nguyệt được nhà văn Ngọc Linh đặt bút danh mới là Nhị Kiều vì cô phóng tác cuốn tiểu thuyết của ông thành kịch bản Nắng sớm mưa chiều quá hay. Năm 1961, soạn giả Nhị Kiều kết hôn với nghệ sĩ Tám Vân, và họ tiếp tục “song kiếm hợp bích” khuấy động sân khấu cải lương.

Thời hoàng kim của soạn giả Nhị Kiều còn kéo dài đến sau 1975, và sự nghiệp cầm bút còn tiếp tục mãi đến năm bà hơn 80 tuổi. Bất cứ lúc nào viết được là bà cứ viết, hễ mệt thì nghỉ, bệnh thì nghỉ, giản đơn như cơm ăn nước uống, cứ viết như con tằm đang nhả tơ miệt mài và hạnh phúc, viết như liều thuốc tự chữa trị cho mình.

Năm 2009, nghệ sĩ Tám Vân mất thì năm 2010, soạn giả Nhị Kiều cũng đi theo ông. Hình như 89 tuổi đời bà cầm bút không ngơi nghỉ. Sức lao động và tình yêu sân khấu của bà đáng cho ta cúi đầu khâm phục.

Nguồn: https://m.thanhnien.vn/van-hoa/nhung-nu-soan-gia-cai-luong-hiem-hoi-nhi-kieu-soan-gia-co-nhieu-kich-ban-nhat-1456724.html

Fan hâm mộ thể hiện tình cảm vậy thôi.
17/08/2021

Fan hâm mộ thể hiện tình cảm vậy thôi.

Phượng Liên - Bạch Tuyết - Ngọc GiàuCác cô hồi xưa trẻ hơn giờ.  Ai cũng đẹp và ca hay.Hình sưu tầm.
13/08/2021

Phượng Liên - Bạch Tuyết - Ngọc Giàu

Các cô hồi xưa trẻ hơn giờ. Ai cũng đẹp và ca hay.

Hình sưu tầm.

Cải lương, đẹp, thật và sang.Cải lương không rườm rà, ù ờ và nhàm chán như người ta hiểu sai về cải lương.Một vùng quê t...
29/07/2021

Cải lương, đẹp, thật và sang.

Cải lương không rườm rà, ù ờ và nhàm chán như người ta hiểu sai về cải lương.

Một vùng quê thanh bình - yên ả, hay một đô thị phồn hoa - náo nhiệt, chỉ cần một hay hai câu ca của một nhân vật trong một vở cải lương sẽ hiện ra đầy đủ, rộng thênh thang và sâu sắc từng góc nhỏ nếu cả người viết, người ca và người nghe là đều là những người sâu sắc.

Cải lương, cũng chỉ cần một hay hai câu ca là đủ để biết nhân vật đang cất lời ca đó thương ai, buồn ai, đang sống bình yên nội tâm hay đang chênh vênh - dậy sóng.

Cải lương, chỉ cần một vài cử chỉ, một ánh mắt, một lời ca thành câu hay dang dở cũng đủ để biết một ai đó sống chuẩn mực hay phóng túng, buông lung.

Cải lương, mỗi một vở tuồng mượn chuyện xưa để nói chuyện thời cuộc, để khuyên con người bỏ dữ làm lành, hành theo chánh nghĩa. Và chỉ có cải lương mới làm được là tuồng tích nào, dẫu kể chuyện xưa cỡ nào, dẫu được viết từ ngày nào xa lơ xa lắc cũng phản ánh được nhịp sống thời đại.

Cải lương, bởi tuồng tích sanh ra theo tiếng lòng đại chúng mà có thể làm người ta cười và cũng khiến người ta khóc, như đang cười khóc cho chính mình.

Cải lương, người kỹ nữ trên sân khấu, dẫu lẳng lơ, lả lướt, thể hiện được ra cái nết na không đàng hoàng nhưng sẽ không bao giờ dung tục. Cải lương, một tên cướp hung bạo trên sân khấu, nhưng sẽ không bao giờ thô tục. Bởi tất cả cái xấu được viết, được diễn ra để hướng lòng người về thiện lương.

Cải lương, rất đẹp, rất thật và rất sang.

TB1:
Một vài ý trong bài viết ngắn này có cảm hứng từ lời của Cô Bạch Tuyết.

TB2:
Hình minh họa: Nữ Hoàng Sân Khấu Thanh Nga.

Tui có thắc mắc, đem đi hỏi cô Bạch Tuyết rằng: Cô Lựu năm 1984, khi gặp lại người chồng cũ, Võ Minh Thành, cổ nghẹn ngà...
29/07/2021

Tui có thắc mắc, đem đi hỏi cô Bạch Tuyết rằng: Cô Lựu năm 1984, khi gặp lại người chồng cũ, Võ Minh Thành, cổ nghẹn ngào nói được hai lần chữ "em", "em"..., rồi cổ quay đi cổ khóc, cổ khóc cho thỏa sự dồn nén suốt mười chín năm qua, rồi cổ mới ngập ngừng nói chuyện tiếp. Còn Cô Lựu sau này, sao khán thính giả không còn thấy cổ khóc như vậy nữa.

Cô Bạch Tuyết trả lời rằng: cái hay của cải lương là vậy, mỗi suất diễn, người nghệ sĩ sống trọn với vai diễn, hành vi lúc đó là sự trọn vẹn của cảm xúc, không gắng gượng, không rập khuôn. Đơn giản, vì cải lương là hơi thở của nhịp sống đời thường.

Giọng ca Phượng Liên...Giọng ca Cô Phượng Liên như sóng nước Cửu Long, cứ đằm thắm, đầy đặn, như phù sa thắm ngọt từng t...
29/07/2021

Giọng ca Phượng Liên...

Giọng ca Cô Phượng Liên như sóng nước Cửu Long, cứ đằm thắm, đầy đặn, như phù sa thắm ngọt từng thớ đất.

Giọng ca Phượng Liên không sầu đắm như Sầu Nữ Út Bạch Lan, không lụa trãi nhung căng như Cô Ngọc Giàu, không vang như tiếng chuông của Giọng Ca Lệ Thủy, giọng ca cứ tràn đầy, cứ tuôn chảy, cứ bồi đắp vào những tâm hồn người nghe những nỗi niềm, những từng trãi, những sóng gió gian truân của đời người.

Có một năm, chừng khoảng 2008, tôi có chuyến đi miền Tây những ngày cận Tết, về ngang phà Cần Thơ, chờ phà lâu và tôi ngủ trên xe, anh lái xe mở vọng cổ, khi lờ mờ thức dậy, tôi nghe giọng ca Cô Phượng Liên văng vẳng bên tai bản Lá Bàng Rơi... Một cảm giác sao thật lạ, buồn không buồn, vui không vui, mà cứ da diết, cứ thấm đẫm nỗi niềm kiếp phù sinh... Phà đưa qua sông, bản ca cũng hết, mà giọng ca như sóng nước Cửu Long ấy theo tôi về tới tận Sài Gòn và còn ở chơi thêm ít bữa mới nguôi ngoai...

Sài Gòn, những ngày hạn chế đi lại, mọi thứ như chậm lại để lánh và giảm bệnh dịch.Đêm nay hăm mốt tháng tư, đêm trăng m...
10/06/2021

Sài Gòn, những ngày hạn chế đi lại, mọi thứ như chậm lại để lánh và giảm bệnh dịch.

Đêm nay hăm mốt tháng tư, đêm trăng mòn, trăng không còn sáng nữa như đêm mười lăm, mười sáu, trăng mòn dần, nhạt dần, man mác một nỗi buồn nhưng vẫn còn nhiều hy vọng... không biết gọi tên sao.

Giữa đêm thanh vắng, mở nghe giọng ca sầu thảm Thanh Sang và Sầu Nữ Út Bạch Lan ca trong trích đoạn Tuyệt Tình Ca....

Thanh Sang trong vai người con lấy hết tiền để dành để đóng học phí, lệ phí đi thi trong kỳ thi sắp tới gần, tiền vốn bán bánh mì dạo để mua một cái bình dưỡng khí cho người Mẹ đang bệnh nặng, người Mẹ biết được thì la rầy...

Giọng ca Thanh Sang nức nở:

"Má...
Con biết rằng nếu nói với Má thì Má sẽ cản ngăn không cho con mua bình dưỡng khí.
Má sẽ bắt buộc con đóng tiền trường và lệ phí đợi ngày thi.
Nhưng Má à.
Nếu không thi được niên khóa này thì con sẽ chờ đợi kỳ thi năm tới
Nếu thiếu tiền trường mà học hành dang dở năm nay thì còn có đủ thời gian học hỏi cả mấy chục năm sau.
Chớ một mai mà Má chết đi rồi thì trọn đời con hối hận.
Có đốt đuốc rọi khắp trần gian cũng không sao tìm kiếm cho con một người mẹ nhân từ.
Một người mẹ đã khổ nhọc với con từ thuở còn xuân cho đến lúc bạc đầu."

Giọng ca Thanh Sang luôn buồn thảm như vậy, nhưng nó không bi lụy, không làm người ta gục ngã, bỏ cuộc, giọng ca buồn đó như muốn cuốn trôi hết tất cả những niềm vui tạm bợ và vô nghĩa của kiếp người, như để tỉnh giấc mông phù sinh và quay về tìm ý nghĩa thật sự của kiếp người. Trong vở tuồng trên là lòng hiếu hạnh, như ngọn đuốc sáng để một người con được bình an mãi về sau khi đã làm tròn xong chữ hiếu trong mọi sức lực của mình...

Nghệ sĩ Thanh Sang đã ra đi, nhưng di sản giong ca ông để lại cho kho tàng cải lương Miền Nam vô cùng giá trị với những vai diễn giá trị: Thi Sách anh dũng trên ngọn lửa thiêu sống mình trong Tiếng Trống Mê Linh, Trần Minh hiền từ nhưng khí phách, nghĩa tình, chung thủy trong Bên Cầu Dệt Lụa, Tùng bộc trực, chung tình trong Nửa Đời Hương Phấn... Một màu sắc Thanh Sang rất khác giữa các giọng ca đương thời ông như Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Tuấn... Dẫu giong ca rất bình dị, rất sầu khổ, nhung lại rất mạnh mẽ, dai dẳng và bền lâu giống như sự lâu dài của lòng mộ điệu của khán thính giả hướng về ông.

Sài Gòn, đêm trăng mòn tháng 4, nhớ giọng ca Thanh Sang. Dẫu lo lắng, dẫu có chút sầu nhưng mạnh mẽ và dai dẳng, luôn như vậy...

12/04/2021

Nhớ tiếng hát Mỹ Châu

Từ nhỏ tôi đã nghe cải lương, những giọng ca cải lương qua những tuồng tích, những nhân vật dìu dắt tâm hồn tôi từ tuổi bé, lên tuổi học sinh trung học rồi qua ngưỡng cửa mười mấy hai mươi tuổi khi là sinh viên đại học. Hồi nhỏ, nhớ mỗi lần coi xong một tuồng cải lương, người lớn thường hay.nói: tuồng đó nó răng đời người ta đó, "răng đời" tức là dạy người ta biết sợ Nhân - Quả, biết theo cái tốt và từ bỏ cái xấu, biết làm mình đẹp theo những cái đẹp. Những giọng ca đó có Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương... và nhiều nhiều nữa....

Trong đó, một giọng ca, một phong cách rất lạ, gợi ý cho người mộ điệu tự định hình cho mình một phong thái, một lối sống sang trọng, khác biệt giữa cuộc sống chen lấn và ồn ào, đó là tiếng hát và phong cách Mỹ Châu.

Tuồng cài lương tôi nghe và xem cô Mỹ Châu diễn đầu tiên có thể là tuồng Hàn Mặc Tử. Cô vào vai Mộng Cầm, một phong cách kiêu sa, một giọng ca sầu thẳm nhưng không kém phần sang trọng... Mộng Cầm cũng yêu Hàn Mặc Tử như bao nhiêu người thiếu nữ khác, nhưng Mộng Cầm không hời hợt và chóng quên như Thu Cúc, không lạnh lùng giành giật và dữ dằn như Hồng Sương, và cũng không chịu kèm nén, thiệt thòi như Mai Đình... .Mộng Cầm Mỹ Châu cũng đắm say, cũng lặn lội từ Phan Thiết ra Quy Nhơn theo tiếng gọi trái tim, nhưng mạnh mẽ, kiêu hãnh mà lại có cảm thương với cô gái khác tên Mai Đình dù cô gái đó đang là tình địch của mình. Giọng ca và nét diễn của Mỹ Châu thể hiện được hết sự tinh tế trong tính cách nhân vật Mộng Cầm được soạn giả cải lương xây dựng trong vở tuồng đó...

Giọng ca Mỹ Châu cứ trầm trầm cứ man mác buồn nhưng vẫn luôn sang trọng, quý phái, quyến rũ tâm hồn khách mộ điệu giữa muôn vàn danh ca cải lương khác...

Thêm một khoảnh khắc khác để giọng ca Mỹ Châu đi sâu vào tâm hồn mộ điệu của riêng tôi là một bản tân cổ mà Mỹ Châu ca về người lính giữ biển đảo quê hương tôi nghe trên đài phát thanh trong chương trình ca cổ đêm khuya trong một đêm thức khuya ôn bài thi học kỳ. Giọng ca đó, không cần lên cao, không cần dài chữ, cứ trầm, cứ buồn, cứ đều đặn rót vào tim người nghe để đêm dẫu khuya dài, không gian dẫu cô đơn, giọng ca đó như một sự vỗ về cho những tâm hồn cô đơn nhưng vẫn đủ phần mạnh mẽ để một mình lượn trên những đợt sóng nhấp nhô và dao động của biển đời nhiều sóng.

Khi Hàn Mặc Tử lâm trọng bệnh, ánh sáng hy vọng của sự hồi sinh cũng nhạt dần, Mộng Cầm thăm người yêu một lần cuối ở Đà Lạt rồi cũng lặng lẽ ra đi... Nhân vật đó, vở tuồng đó như vận vào cuộc đời nghệ thuật của Mỹ Châu. Cô lặng lẽ rời xa sân khấu khi sân khấu cải lương chuẩn bị bước vào một giai đoạn trầm buồn...

Người mộ điệu nhớ Mỹ Châu, khán giả mộ điệu nhớ giọng ca và phong cách Mỹ Châu

Sài Gòn, chiều 11/04/2021.

Cải Lương Chi BảoDấu ấn tài hoa của thế kỷ 20Nghệ sĩ Bạch TuyếtBà tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh 24 tháng 12 nă...
13/01/2021

Cải Lương Chi Bảo
Dấu ấn tài hoa của thế kỷ 20
Nghệ sĩ Bạch Tuyết

Bà tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh 24 tháng 12 năm 1945 tại làng Khánh Bình, Châu Ðốc (nay thuộc xã Khánh An, huyện An Phú), tỉnh An Giang. Từ thuở còn đi học đã bộc lộ năng khiếu ca, ngâm, thường được các thầy cô đưa lên trình diễn trong những đêm văn nghệ.

Mồ côi mẹ khi 9 tuổi (1955), và bắt đầu đi hát ở những nhà hàng ca nhạc bằng những bài tân nhạc như "Nắng đẹp miền Nam", "Làng tôi", "Tiếng còi trong sương đêm",...

Cũng như những bạn cùng lứa, Bạch Tuyết rất hâm mộ Thanh Nga. Trong một lần gặp gỡ, Thanh Nga nhận xét rằng Bạch Tuyết rất có khiếu hát cải lương,Thanh Nga nói với Bạch Tuyết rằng "Em đi hát đi, chứ mặt em mà đi hát thì em nổi tiếng dữ lắm", lời khích lệ đó là một trong những động lực đưa bà đến với nghiệp hát xướng.

Năm 1960, Bạch Tuyết vào học trường nội trú của các ma-sơ Công giáo, thời gian này, bà giao du học hỏi với nhiều nghệ sĩ, trong đó có soạn giả Điêu Huyền. Nhờ đó, tên tuổi của bà dần được xuất hiện trên các đài phát thanh, trên báo chí. Điêu Huyền nhận bà làm con nuôi, cho gia nhập đoàn Kiên Giang, sự kiện này giúp đỡ bà rất nhiều trong bước đường sau này.

Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở "Lá thắm chỉ hồng", cô đào chính tới trễ, khiến Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của bà khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Sau đó là vở "Kiếp chồng chung", "Suối mơ rền áo cưới",... Bà được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất, với vở "Tiếng hát Muồng Tênh", tên tuổi bà bắt đầu nổi.

Tuy đi hát, nhưng bà lại rất thích đi học. Đang hát và nổi tiếng với Đoàn Thống Nhất, thì bà nghỉ nửa năm để ôn thi Tú Tài. Sau này, bà cũng nhiều lần đang hát thì nghỉ ngang như thế để đi học.

Cuối năm 1962, bà vào đoàn Bạch Vân. Năm sau, được nhận Giải Thanh Tâm cho Diễn viên triển vọng.

Năm 1964, bà về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, hợp tác với các soạn giả danh tiếng bấy giờ là Hà Triều – Hoa Phượng, tài năng của bà càng được khẳng định. Năm sau, vở "Tần Nương Thất" đã mang lại cho bà huy chương vàng giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ xuất sắc.

Năm 1966, Hùng Cường gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, cùng với Bạch Tuyết tạo thành một cặp đôi hoàn hảo trong mắt khán giả. Bà ở lại đoàn Dạ Lý Hương thêm 2 năm nữa.

Sau năm 1968, tình hình chiến tranh lan rộng, bà ngừng hát một thời gian. Đến năm 1971, bà cùng với Hùng Cường mở gánh hát Hùng Cường – Bạch Tuyết (sau này đổi thành Đoàn ca kịch Bạch Tuyết), diễn các vở kinh điển như: "Trăng thề vườn thúy", "Má hồng phận bạc", "Cung thương sầu nguyệt hạ". Gánh hát này được rất đông người hâm mộ, tuy nhiên, do không biết cách quản lý, sau một thời gian đã ngưng hoạt động. Sau đó bà chuyển sang học Luật.

Năm 1985 (40 tuổi), Bạch Tuyết bước vào giảng đường đại học và có được bằng Cử nhân Ngữ văn.

Năm 1988, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cũng năm này bà tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia.

Năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á" và trở thành tiến sĩ nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam. Với tư cách Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển văn hóa – văn hóa dân tộc của Đại học Bình Dương, bà đã tổ chức nhiều chương trình sân khấu có giá trị về nghệ thuật dân tộc. Hằng tháng, trung tâm này kết hợp cùng Đài truyền hình Bình Dương thực hiện chương trình “Chân dung đối thoại” với mục đích phổ biến, đề cao văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Luôn đau đáu với sự nghiệp phát triển cải lương, bà ôm ấp kế hoạch xây dựng những “trường ca cải lương” và âm thầm bắt tay vào viết những trường ca chuyển thể từ tác phẩm Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Bút quan hoài (Á Nam Trần Tuấn Khải),… Hiện tác phẩm chuyển thể Kinh Pháp Cú thành trường ca cải lương của bà với nhiều bài bản dễ nhớ, dễ hát, dễ thuộc đã được tái bản nhiều lần qua hình thức VCD, được khán giả đón nhận và khen ngợi…

Năm 2012, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở lần xét duyệt thứ 7 (năm 2011).

Những người bà có dịp ca diễn chung: Thanh Sang, Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Diệp Lang, Minh Phụng, Minh Vương, Hùng Cường, Út Bạch Lan, Thái Châu, Tấn Tài, Út Trà Ôn,... Bà từng diễn chung với nhiều kép, nhưng người đóng chung với bà để lại ấn tượng sâu sắc là Hùng Cường. Họ đã tạo nên cặp đôi "sóng thần" cực kỳ nổi tiếng vào thập niên 1960.

Nguồn:
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Bạch_Tuyết_(nghệ_sĩ_cải_lương)

Cô đào ngoại hạng của nền cải lương: Cô Lệ Thủy.Sự nghiệp:Bà tên thật là Dương Thị Lệ Thủy, về sau đổi thành Trần Thị Lệ...
10/01/2021

Cô đào ngoại hạng của nền cải lương: Cô Lệ Thủy.

Sự nghiệp:

Bà tên thật là Dương Thị Lệ Thủy, về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình bà có 8 chị em, trong đó, bà là chị cả.

Do cuộc sống khó khăn, từ nhỏ, bà đã theo gia đình lên Sài Gòn để mưu sinh. Năm 10 tuổi, nghệ sĩ nghiệp dư là Tư Long làm ở ban văn nghệ xóm bên tình cờ nghe bà ca vọng cổ, đã mời bà tham gia và gửi theo học ca cổ với thầy Năm Truyền làm thợ hớt tóc ở Khánh Hội. Sau đó, Lệ Thủy được gửi sang học bài bản cải lương 3 Nam, 6 Bắc với nhạc sĩ Tám Đen. Lúc đó, các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình nợ nần tứ phía. Không tiếp tục đến trường được do không có khai sinh, Lệ Thủy đã phải làm việc sớm để phụ giúp gia đình và quyết định xin đi theo làm việc ở gánh Trâm Vàng (Biên Hòa, Đồng Nai) để đỡ gánh nặng cho ba má.

Với bài ca cổ Cô gái bán đèn hoa giấy, đầu tiên qua việc ngâm thơ hậu trường, đóng những vai kép con trên sân khấu. 13 tuổi, Lệ Thủy thế vai kép con trên đoàn Trâm Vàng. 14 tuổi, Lệ Thủy đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính [1].

Sau những bước đi đầu tiên tạo được ấn tượng, ông bầu Trần Viết Long lập đoàn Kim Chung 3. Lệ Thủy chuyển sang đây diễn chung với nghệ sĩ Thanh Hải trong vở "Bẽ bàng duyên mới" của soạn giả Ngọc Văn. Tên tuổi của Lệ Thủy bắt đầu nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi.

Sau đó, Lệ Thủy hát ở đoàn Kim Chung 5, tại đây Lệ Thủy đóng cặp với Minh Phụng tạo thành cặp đào – kép ăn ý, được báo chí thời đó phong tặng là cặp "Bão biển" vì mang lại doanh thu cao cho đoàn qua các vở Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau,... [2]

Năm 1975, Lệ Thủy gắn bó với Đoàn văn công Thành phố Hồ Chí Minh qua các vở diễn Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại...

Tháng 2 năm 1984, Lệ Thủy được vinh dự tham gia Đoàn nghệ sĩ lưu diễn Tây Âu cùng với nghệ sĩ Bạch Tuyết, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Minh Vương,... với các vở diễn Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa,... Báo chí thời đó gọi là "đem chuông đi đánh xứ người" đầu tiên sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Sau chuyến đi, các nghệ sĩ trong đoàn đã hợp lại và thành lập Đoàn nghệ thuật 2-84. Vở Tô Ánh Nguyệt và Đời cô Lựu là hai vở tuồng khai trương cho đoàn 2-84. Ở sân khấu này, Lệ Thủy đã diễn vở tuồng Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa, Trắng hoa mai, Kiếp chồng chung, Lôi vũ,...

Những năm đầu 1990, Lệ Thủy chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực video cải lương. Một số vở cải lương từng gắn với tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy khi hát ở đoàn Kim Chung 5 trước năm 1975 cũng được quay video như Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau, Băng Tuyền nữ chúa,.... Sau thập niên 1990, nghệ sĩ Lệ Thủy đi lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh miền Tây, các vùng sâu, đem tiếng hát của mình gần hơn với khán giả nông thôn.

Sân khấu cải lương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Bà cùng Diệp Lang và Minh Vương thành lập chương trình Những dấu ấn không phai trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quy tụ các nghệ sĩ tham gia biểu diễn các vở tuồng kinh điển ngày xưa. Các vở diễn của chương trình như Giấc mộng đêm xuân, Tình mẫu tử, Một ngày làm vua, Đêm giao thừa,... Năm 2008, chương trình được hoạt động với tên gọi là nhóm xã hội hóa "Sân khấu vàng" trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang nhằm tập hợp các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đồng thời doanh thu từ chương trình dành vào cho hoạt động xây tặng nhà tình thương. Đến nay, "Sân khấu vàng" do Lệ Thủy và Minh Vương thành lập đã dựng các vở diễn như Sông dài, Lá sầu riêng, Một ông hai bà, Đêm lạnh chùa hoang,... và đã trao tặng hơn 30 căn nhà tình thương cho các gia đình khó khăn.

Hiện tại, Lệ Thủy vẫn cộng tác thường xuyên với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng và tham gia đi show ở các tỉnh thành.

Các nam nữ nghệ sĩ mà Lệ Thủy đã hát, diễn chung: Minh Vương, Minh Phụng, Út Bạch Lan, Thanh Tuấn, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Sang, Bảo Quốc, Thanh Ngân, Phượng Hằng, Trọng Hữu, Minh Cảnh, Tấn Tài, Huyền Trang, Phi Nhung, Diệp Lang, Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu, Trọng Phúc, Mỹ Châu,...

Bà được đánh giá là cô đào sáng giá của sân khấu cải lương và không hề kén chọn người đóng chung, đóng với ai bà cũng rất hợp như: Minh Vương, Minh Phụng, Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Cảnh,... đến những cô đào như: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Mỹ Châu, Út Bạch Lan,...

Giọng ca:

Bà có giọng thổ pha kim hiếm có và cách ca rất chân phương, nhẹ nhàng. Nhờ đó, mà những bài hát Lệ Thủy đều gây ấn tượng mạnh với khán giả. Đã 70 rồi, mà giọng ca của bà vẫn còn vang vọng khắp nơi và vẫn còn khiến khán giả "đứng ngồi không yên". Tóm lại, đó là giọng ca tuyệt vời, "độc nhất vô nhị".

Giải thưởng:

Giải Thanh Tâm (năm 1964) cùng với Thanh Sang, Lệ Thủy cũng là nữ nghệ sĩ trẻ thứ nhì đoạt giải này sau 10 lần tổ chức. Ngọc Giàu là nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm trẻ tuổi nhất, lúc 15 tuổi.

Giải Kim Khánh (1974)

Giải A1 Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1980).

Nghệ sĩ được yêu thích nhất năm 1989, hạng nhất với 4565 phiếu bầu chọn của độc giả báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Danh ca vọng cổ được yêu thích nhất năm 1990, hạng 2 (sau Minh Vương) do báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Nghệ sĩ được yêu thích nhất năm 1990, hạng 4 với 2664 phiếu bầu chọn của độc giả báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Giải Đôi nam – nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất năm 1992 (cùng Minh Vương), với 7993 phiếu bầu chọn do báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Nghệ sĩ đóng Video cải lương được yêu thích nhất năm 1992, hạng nhì trong top 10 (xếp sau Vũ Linh) với 4286 phiếu bầu chọn của đọc giả báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt 3 năm 1993.

Kỷ lục Guinness Việt Nam 2008 cho Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất (cùng Minh Vương).

Giải Mai vàng cho hạng mục Nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất do báo Người lao động tổ chức năm 2008 và 2009.

Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 7 năm 2012.

Giải thưởng truyền hình HTV Awards 2013 cho Nữ nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất.

Nhận xét:

Soạn giả Viễn Châu nhận xét: "Lệ Thủy có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân". Năm 1964, khi soạn giả Viễn Châu kết hợp tân nhạc và cổ nhạc để tạo nên bản tân cổ giao duyên, ông đã chọn giọng ca Lệ Thủy thể hiện cho thử nghiệm này với bài hát Chàng là ai.

Diệp Lang nhận xét Lệ Thủy là "cô đào ngoại hạng" của sân khấu cải lương.

Nguồn:
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Lệ_Thủy_(nghệ_sĩ)

Nghệ sĩ tài danh Hồng NgaHồng Nga (sinh năm 1946 - năm Bính Tuất) là nghệ sĩ cải lương tài danh của Việt Nam. Bà có thể ...
14/11/2020

Nghệ sĩ tài danh Hồng Nga

Hồng Nga (sinh năm 1946 - năm Bính Tuất) là nghệ sĩ cải lương tài danh của Việt Nam. Bà có thể hóa thân xuất sắc vào nhiều thể loại vai diễn khác nhau.

Bà tên thật là Đinh Thị Nga.

Thời trẻ, bà được ông thợ hớt tóc biết đờn cổ nhạc dạy hát cho đúng nhịp. Vì có năng khiếu, bà được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa quận 4 nhận làm con nuôi. Người nhạc sĩ này đã dạy cho Hồng Nga ca đủ 3 Nam, 6 Bắc, vọng cổ và các bài bản lớn. Ông hướng dẫn Hồng Nga đi ca cổ nhạc nơi quán Lệ Liễu trong khu giải trí trường Thị Nghè.

Gánh hát cải lương đầu tiên của Hồng Nga đi hát là gánh Hằng Xuân – An Phước của bà Bầu Sáu Đặng. Khoảng thời gian này, bà lấy nghệ danh là Kim Nga. Mãi đến khi Kim Nga ký hợp đồng hát cho đoàn Thống Nhất của ông Bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn, bà Hồng Hoa là vợ hai của Út Trà Ôn đổi nghệ danh Kim Nga thành Hồng Nga.

Nghệ sĩ Hồng Nga là nữ nghệ sĩ đa tài. Bà có thể vào nhiều vai như: đào mùi, đào lẵng, đào độc, vai mụ hiền hoặc mụ ác, kể cả vai nữ hề... Ngoài ra, nghệ sĩ Hồng Nga còn là một diễn viên hài xuất sắc.

Trong sự nghiệp ca hát của Hồng Nga, bà nổi tiếng qua các vai lẵng mùi trong các vở tuồng Lưới Trời, Mắt Em là Bể Oan Cừu (soạn giả Vân An), Tần Thủy Hoàng, Phút Sau Cùng của Điền Long, vở tuồng Gã Câm và Người Đẹp (soạn giả Hoài Nhân). Khi vào vai nhân vật nào, nghệ sĩ Hồng Nga cũng để lại một ấn tượng mới lạ cho khán giả, khi diễn những vai ác thì khán giả bị kịch tính lôi cuốn, rất căm ghét nhân vật ác đó. Khi Hồng Nga diễn các bà mẹ quê mùa, nghèo khổ hoạn nạn hay vai bà hoàng hậu nhân từ, Hồng Nga làm cho khán giả thương cảm cho số phận của nhân vật.

Sau năm 1975, bà có vai diễn để lại ấn tượng mạnh, đó là vai bà mẹ chồng trong vở tuồng "Duyên Kiếp". Nghệ sĩ Hồng Nga hay tham gia các công tác từ thiện, bà tham gia các show diễn của các chùa tổ chức để lập quỹ cứu trợ nạn nhân bị bão lụt hoặc nghèo yếu neo đơn ở trong nước.

"Mẹ" của 4 thế hệ nghệ sĩ - đó là câu nói vui của nghệ sĩ Hồng Nga khi nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình. Câu nói đã phần nào khái quát được nét đặc biệt trong phong cách và sở trường diễn xuất của bà - chuyên những vai đào mụ từ sân khấu cải lương cho đến sân khấu kịch.

Và mối duyên này đã gắn liền với bà trong suốt chặng đường nghệ thuật 50 năm qua. Như chính bà chia sẻ, bà đã “làm mẹ” của 4 thế hệ nghệ sĩ khác nhau trên sân khấu. Khởi nghiệp, Hồng Nga đã được giao “làm mẹ” của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Nhiều năm sau, Hồng Nga tiếp tục thủ vai mẹ của thế hệ nghệ sĩ Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy. Sau đó, bà lại làm mẹ của lứa nghệ sĩ cải lương mới như Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Kim Tử Long, Thoại Mỹ. Và với thế hệ thứ 4, trên sân khấu, bà tiếp tục trở thành mẹ của lớp nghệ sĩ trẻ của sân khấu kịch như Anh Vũ, Gia Bảo… Khó có nghệ sĩ nào có được mối duyên nghệ thuật kỳ lạ và thú vị như nghệ sĩ Hồng Nga.

Hồng Nga diễn vai buồn khổ lấy nước mắt khán giả như mưa vì thương cảm bao nhiêu thì khi bà diễn vai ác chuyên môn đánh ghen, cho vay nặng lãi, đày ải con dâu, người ở... Có lẽ với chất giọng chua chát, xéo sắc cùng ánh mắt sắc bén nên bà đã được đạo diễn đóng đinh vào những vai độc... Gặp bà trên sân khấu người xem cười rần rần và ghét cay ghét đắng bấy nhiêu. Có những đứa con nít đã lượm đá ném theo bà sau khi vãn hát vì... bà đóng vai ác đạt quá. Nói với Hồng Nga rằng khi xem tuồng có cảm giác ngoài đời bà rất dữ, thì bà gật đầu: “Đúng, ngoài đời tôi rất dữ. Tôi phải dữ để bảo vệ mình, để đừng bị hiếp đáp, để sống nuôi con vì cuộc đời đã dạy cho tôi như thế. Tôi tuy sống đời như giang hồ nhưng không bao giờ sống hèn, sống giả!”...

"Ngày trước có một nhà sư nói với tôi về vai diễn trong vở Mục Kiền Liên rằng, Hồng Nga ơi, sao con đóng gì mà ác quá vậy, nhưng con đóng xuất sắc quá” - bà cười nói.

Bà sinh ra trong gia đình cha mẹ đều là người miền Bắc, cha của Hồng Nga quê ở Thái Bình, mẹ là người Hà Bắc. Cha mẹ của bà là những người công nhân cạo mủ cao su.

Về phần hôn nhân của nghệ sĩ Hồng Nga, bà là người thường lận đận trong chuyện vợ chồng. Sau khi cuộc hôn nhân đầu đứt gánh giữa chừng, năm 1976, Hồng Nga bước thêm bước nữa với soạn giả Mộc Linh, người tù cải tạo từ trại tù Hàm Tân trở về. Khi bà đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc thì người bạn đời, người đã đem lại những ngày hạnh phúc cho bà đột ngột qua đời.

Hiện nay, Hồng Nga có một đứa con trai, con dâu và cháu nội ở Việt Nam. Người con gái của bà đã lập gia đình và định cư ở Thụy Sĩ.

Nguồn:
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Hồng_Nga

Address


Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Mộ Điệu Cải Lương posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Shortcuts

  • Address
  • Alerts
  • Claim ownership or report listing
  • Want your business to be the top-listed Event Planning Service?

Share