20/05/2023
🏅🏅CÁC TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ THỰC PHẨM TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM🏅🏅
📜Sản phẩm được tiêu dùng ở Việt Nam luôn cần đạt được các tiêu chuẩn chất lượng nhằm tạo sự an tâm đến với khách hàng. Bên cạnh OCOP, thị trường Việt Nam còn có thêm những tiêu chuẩn khác như:
🍀VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices)
VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, gồm tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) ở Việt Nam. Bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
🍀GLOBALGAP (Good Agricultural Practice)
Chứng nhận GLOBAL GAP là chứng nhận về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global Good Agricultural Practice ). GLOBAL GAP tập hợp các tiêu chí do tổ chức, quốc gia, nhóm quốc gia ban hành hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động. Chứng nhận này sẽ được cấp cho các doanh nghiệp, các nhà nuôi trồng và cung cấp nông sản đáp ứng bộ tiêu chuẩn do tổ chức GLOBAL GAP ban hành. Với mục tiêu tiên quyết tạo nên nền nông nghiệp an toàn và bền vững toàn cầu, các tiêu chuẩn GLOBALGAP được xây dựng nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất nông nghiệp trong 3 lĩnh vực: Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản.
🍀GMP (Good manufacturing practice): Thực hành sản xuất tốt
GMP là quy định cơ bản do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ban hành theo thẩm quyền của Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang nhằm đảm bảo rằng các nhà sản xuất đang thực hiện các bước chủ động để đảm bảo sản phẩm của họ an toàn và hiệu quả. Đây là hệ thống các thực hành bắt buộc để tuân theo các hướng dẫn được khuyến nghị bởi các cơ quan kiểm soát việc cấp phép và cấp phép sản xuất và kinh doanh thực phẩm & đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế.
Bao gồm tất cả các khía cạnh của sản xuất, bao gồm từ các nguyên liệu đầu vào (dược liệu, tá dược, bao bì, nguồn nước…), cơ sở sản xuất và trang thiết bị, việc đào tạo và vệ sinh cá nhân của nhân viên… được chi tiết bằng văn bản
🍀HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point System): Phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát tới hạn.
Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP được phát triển vào những năm 1960 bởi Cơ quan Hàng hải Hoa Kỳ (US Navy) cùng với Viện Công nghệ Thực phẩm của Hoa Kỳ (US Army Natick Soldier Research, Development and Engineering Center). Ban đầu, HACCP được sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các chuyến hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ. Sau đó, vào những năm 1970, HACCP được mở rộng và sử dụng trong ngành thực phẩm. Đây là một cách tiếp cận phòng ngừa có hệ thống đối với an toàn thực phẩm khỏi các mối nguy sinh học, hóa học, vật lý và gần đây là các mối nguy phóng xạ trong quá trình sản xuất có thể gây ra thành phẩm không an toàn và thiết kế các biện pháp để giảm thiểu những nguy cơ này rủi ro đến mức an toàn. HACCP được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) cũng khuyến cáo việc nên áp dụng HACCP kết hợp với việc duy trì điều kiện sản xuất (GMP) để nâng cao hiệu quả của việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
🍀ISO 22000:2018 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
ISO 22000 là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu. ISO 22000 được ban hành lần đầu vào năm 2005 bởi Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), nhằm đảm bảo khả năng cung cấp ổn định thực phẩm an toàn và các sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Năm 2018, ISO 22000:2018 chính thức được công bố và áp dụng, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều phải chứng nhận theo phiên bản này, thay thế hoàn toàn phiên bản ISO 22000:2005. Tại Việt Nam, TCVN 22000:2018 được Tổng cục Đo lường chất lượng biên soạn hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn ISO 22000:2018 quốc tế. Là tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên thực hiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được chứng nhận, nó bao gồm giao tiếp tương tác, quản lý hệ thống và kiểm soát mối nguy. Nó có thể được sử dụng bởi bất kỳ tổ chức nào bất kể quy mô hoặc vị trí của nó trong chuỗi thực phẩm
🍀BRCGS (Anh) cho An toàn Thực phẩm: Tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu.
Tiêu chuẩn toàn cầu của Hiệp hội bán lẻ Anh cho ngành sản xuất, chế biến và đóng gói thành phần thực phẩm và thực phẩm. Mục đích ra đời của chứng nhận là bảo vệ và cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về thực phẩm, cũng như những đánh giá cơ bản về ngành hàng mà các nhà bán lẻ kinh doanh
🍀IFS Food (International Food Standard): Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế.
IFS Food là tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thống nhất toàn cầu, 1 trong 8 tiêu chuẩn thuộc hệ thống Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế IFS. Tiêu chuẩn IFS Food do Liên minh các nhà bán lẻ Đức (HDE) cùng với Liên minh các tổ chức thương mại và phân phối Pháp (FCD) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2003. Tiêu chuẩn này hiện do IFS Management GmbH, công ty thuộc sở hữu của HDE và FCD, quản lý và được áp dụng cho tất cả các công đoạn chế biến thực phẩm sau các quá trình tại trang trại. IFS Food được đối sánh với Tài liệu hướng dẫn GFSI và được công nhận bởi GFSI (Tổ chức An toàn Thực phẩm Toàn cầu). Tiêu chuẩn IFS Food cung cấp hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và/hoặc sản phẩm. IFS Food bao gồm các yếu tố chính: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; Thực hành nuôi trồng tốt/thực hành sản xuất tốt/Thực hành thương mại tốt; Hệ thống HACCP.
Ngoài các tiêu chuẩn phổ biến trên, thị trường tiêu dùng hiện nay còn rất nhiều tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn những tiêu chuẩn phù hợp và uy tín nhất để phấn đấu đạt được và tạo nền tảng thương hiệu cho sản phẩm của mình vào các thị trường đặc thù hoặc tiếp cận những người dân quốc tế đang sinh sống tại Việt Nam khi đảm bảo được những chuẩn mực tiêu dùng họ tin cậy lựa chọn.