08/08/2019
“Tối hôm qua người cha ấy còn bình tĩnh xử lý mọi việc, trả lời báo chí, chất vấn đại diện nhà trường bằng những câu hỏi đanh thép. Hôm nay khi tiễn con trên đoạn đường cuối cùng, anh gục ngã hoàn toàn. Làm cha mẹ rồi mới hiểu, mất con là mất tất cả, là nỗi đau ấy sẽ đeo đẳng tới tận khi cha mẹ lìa đời. Yêu con hơn cả sinh mệnh, cố gắng mãi mới có mụn con duy nhất, sống tiếp thế nào đây? Nghĩ tới đó, nước mắt mình cứ chảy không ngừng. Mình cũng chỉ có cô con gái duy nhất, nó vừa là con vừa là bạn, ngày ngày quấn quít bên mình. Mình yêu nó, thương nó, cần nó hơn tất thảy mọi thứ trên đời này. Để nó có được sức khỏe và niềm vui, có đổi cả mạng, mình cũng đổi không do dự. Thì với nhà người ta, cũng thế thôi.
Những kẻ lẽ ra phải có trách nhiệm chỉ cần bước thêm một bước lên xe, nhìn thêm một lượt các hàng ghế, mất thêm vài giây là con được sống thêm cả cuộc đời. Một em bé ngoan đã chết oan uổng ngay trước thềm năm học mới vì sự vô trách nhiệm đến cùng cực của người lớn. Không chỉ là sai lầm, đây là tội ác không thể nào tha thứ. Việc của hai người lớn ngày hôm đó chỉ là phụ trách chuyến đi với 13 đứa nhỏ, có nhiều nhặn, đông đúc gì đâu. Sau cái chết của một đứa trẻ, người ta mới vỡ ra nhiều thứ. Lái xe sử dụng phương tiện chưa được cấp phép kinh doanh vận tải. Cô monitor sắp đến tuổi nghỉ hưu, mới đi làm 2 ngày, chưa được ký hợp đồng. Cô giáo chủ nhiệm không được nhà trường cho phép kết nối trực tiếp với cha mẹ học sinh qua điện thoại. Cô giáo phụ trách liên lạc với gia đình nghỉ đột xuất, nhà trường không có người thay thế. Cô hiệu trưởng chỉ được thuê làm về chuyên môn, đã nằm viện điều trị bệnh nhiều tháng và sắp sửa xin nghỉ việc. Trường có tên là Quốc tế từ ngày ra đời, bảng chữ International to đùng ở cổng nhưng hóa ra đấy lại là cái mác tự phong. Khi phóng viên đặt câu hỏi sao bao năm nay Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy lại bỏ qua danh hiệu “quốc tế” của Gateway thì Trưởng phòng Giáo dục Quận từ chối trả lời. Hệ thống rời rạc, đầy lỗi, đầy kẽ hở. Thế mà người ta vẫn cho nó vận hành như không.
Không chỉ Gateway, mình tin đâu đó trong các trường học, từ trường công tới trường tư vẫn đang tồn tại những sai sót như vậy, chẳng qua là chưa có chuyện xảy ra (hoặc xảy ra mà ỉm được) thì người ta vẫn mặc nhiên lờ đi, để nó tồn tại mà thôi. Không phải con cháu mình thì không thấy xót?
Gửi con tới trường là gửi báu vật cha mẹ giữ gìn, là trao niềm tin cho các thầy cô, cho những người phụ trách. Nhiều trường học phí cao nhưng không chịu lắp camera, phụ huynh vẫn chấp nhận và không đòi hỏi là vì tôn trọng, là vì tin tưởng hoàn toàn. Hàng sáng con đi học rồi thì cha mẹ cũng lao ra đường, vất vả mưu sinh, không tiếc tiền cho con vào trường tốt, mong cho con có được tuổi thơ đỡ lấm lem, bớt thiếu thốn hơn mình. Không dạy được văn hay chữ tốt thì ít nhất cũng phải mang trả con khỏe mạnh, nguyên vẹn trở về, đấy là yêu cầu tối thiểu. Đứa trẻ nào thì mẹ cha cũng phải nhọc nhằn nuôi lớn, cũng gửi gắm vào đó những kỳ vọng chắt chiu cả đời mình. Đứa trẻ nào cũng xứng đáng được lớn lên bên gia đình, sống cuộc đời hạnh phúc. Con phụ huynh hay con giáo viên cũng đều thế mà thôi.
Chỉ một hành động thờ ơ, lười biếng, vô tâm cũng có thể cướp đi cái quyền cơ bản nhất của một đứa bé, khiến một đại gia đình lâm vào cảnh tang tóc và hàng triệu ông bố bà mẹ sợ hãi, hoang mang. Mình đang nơm nớp cực độ vì con hàng ngày đi học bằng xe bus và đường xa nên 10 chuyến thì cũng có 6,7 chuyến gà gật trên xe.
Hôm qua, người ta nói một câu thế này: các trường học chưa bao giờ quên thu học phí nhưng có thể quên hoàn toàn sự tồn tại của một đứa trẻ.
Điều ấy đau, nhưng là thật.”
Cre: chị Nguyễn Diệp Chi. Bài viết chia sẻ thấu nỗi đau của bao người làm cha làm mẹ :(