04/08/2022
𝓛ễ 𝓽𝓱ấ𝓽 𝓽ị𝓬𝓱
Thất là “七 - bảy”, tịch là “夕 - chiều tối”. Vậy Thất Tịch có nghĩa là Chiều Tối Ngày Mồng 7 Âm Lịch. Lễ thất tịch hay còn gọi là lễ Khất Xảo diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của Trung Quốc. Cùng với sự phát triển mở rộng giao lưu văn hóa của xã hội, lễ thất tịch dần dần trở thành ngày lễ tình nhân của các nước phương Đông.
Ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc bắt nguồn từ truyền thuyết tình yêu vô cùng cảm động “Ngưu Lang Chức Nữ”. Truyền thuyết kể rằng, Ngưu Lang là chàng trai hiền lành, chăm chỉ. Cha mẹ mất sớm, Ngưu Lang sống chung với anh và chị dâu nhưng lúc nào cũng bị ngược đãi. Ngưu Lang bị đuổi ra sống riêng, cùng bầu bạn với một con trâu già.
Chức Nữ (织女 - nghĩa lã cô gái dệt vải) là một vị tiên trên trời - cô em út xinh đẹp nhất trong 7 nàng tiên con của Ngọc Hoàng và Vương mẫu nương nương. Ngày nọ, Chức Nữ cùng các chị của mình xuống nhân gian chơi, tắm rửa, nô đùa ở một dòng sông. Trâu già đã bày kế giúp Ngưu Lang và Chức Nữ quen nhau. Từ đó, hai người yêu thương nhau và kết duyên vợ chồng. Cả hai sống với nhau rất hạnh phúc và có hai người con, một trai, một gái. Lúc trâu già sắp chết có dặn Ngưu Lang hãy giữ lại bộ da của mình, hãy sử dụng nó khi có chuyện nguy cấp. Vợ chồng Ngưu Lang nghe lời trâu căn dặn. Khi trâu chết, nén đau thương lột da trâu và chôn xác nó trên sườn núi.
Hạnh phúc kéo dài không bao lâu, Ngọc Hoàng và Vương mẫu nương nương phát hiện được việc Chức Nữ lén lút kết hôn với người phàm, đã vô cùng tức giận, liền phái các tiên nữ xuống nhân gian bắt Chức Nữ về. Về nhà, không thấy vợ đâu, Ngưu Lang vội vàng tìm kiếm, khoác áo da trâu gánh hai con đuổi theo. Thấy Ngưu Lang sắp đuổi tới, Vương mẫu nương nương đã lấy trâm cài vạch một đường xuống sông Ngân – con sông vốn dĩ nước trong veo đã trở nên đục ngầu, sâu không thấy đáy. Ngưu Lang không thể nào vượt qua, chỉ biết ôm con khóc, cách con sông mà ngóng trông vợ. Chức Nữ cũng vô cùng đau khổ, mỗi ngày đều nhìn về phía sông Ngân mà khóc.
Ngọc Hoàng và Vương mẫu nương nương vô cùng cảm động trước tình cảm của họ. Khi biết là không thể nào chia cắt được tình cảm này nên đã đồng ý cho gia đình Ngưu Lang đoàn tụ vào ngày Thất Tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Tương truyền, vào ngày này hằng năm, đàn chim Hỉ Thước sẽ bay lên trời, tạo thành một cây cầu kết nối giữa nhân gian và thiên đình để Ngưu Lang và các con được đoàn tụ với Chức Nữ. Đây là ngày hạnh phúc nhất của gia đình trong một năm, nên về sau ngày 7 tháng 7 âm lịch trở thành ngày lễ tình nhân dành cho các cặp đôi.
Ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch
Ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc ban đầu là ngày lễ dân gian để tưởng nhớ vị tiên nữ thứ bảy Chức Nữ. Theo truyền thuyết, Chức Nữ là tiên nữ đảm nhận việc thêu thùa, dệt vải. Nàng cũng là người đầu tiên đã phát hiện ra tơ tằm. Ngày lễ thể hiện sự tôn kính của con người với thiên nhiên và những người phụ nữ giỏi giang. Cũng là ngày toàn thể nữ nhi cầu nguyện với đất trời những điều tốt lành sẽ đến với mình trong tình yêu và hôn nhân. Truyền thuyết còn gắn ngày này với tình yêu vô cùng cảm động, vượt qua ranh giới thần - người. Sau này ngày lễ thất tịch trở thành ngày lễ tình nhân của người dân Trung Quốc nói riêng và một số nước Đông Á nói chung.