19/07/2022
Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, không chỉ nổi tiếng nhờ nhạc Trịnh !
Thời gian qua, bộ phim Em và Trịnh gây bão trong cộng đồng khán giả Việt, đặc biệt với hình ảnh hư cấu về Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.
Nhiều khán giả trẻ tỏ ra tò mò về nữ danh ca này, rằng tại sao bà lại được mượn hình ảnh để hư cấu vào phim, gắn với tượng đài Trịnh Công Sơn. Cần làm rõ vị trí của Khánh Ly trong tiến trình nhạc Việt để các khán giả trẻ được hiểu hơn về bà.
Khánh Ly không chỉ nổi tiếng nhờ nhạc Trịnh
Sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của Khánh Ly rộng lớn tới mức, đã biết bao thế hệ, lớp người Việt Nam qua đi nhưng không ai là không biết đến bà.
Từ những người tóc đã bạc trắng như vôi sắp về làm cát bụi hay tuổi trẻ mới lớn lên, ai ai cũng biết và từng nghe Khánh Ly ở đâu đó, qua nhiều ca khúc bất hủ như Cát bụi, Diễm xưa, Một cõi đi về...
Tiếng hát Khánh Ly (qua nhạc Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ khác) len lỏi vào mọi ngõ ngách, từ những xóm trọ nghèo, mái hiên dột, quán cà phê vỉa hè tới nhà hàng 5 sao, sự kiện sang trọng. Tiếng hát ấy, có người thích người không, kẻ khen kẻ chê, nhưng không ai lại không biết.
Cứ vậy, chẳng biết từ bao giờ, cái tên Khánh Ly đã trở thành một phần đời sống của người Việt Nam, dù chẳng cần đến một sự ca tụng, ghi danh nào. Ngay cả trong giới âm nhạc, văn nghệ sĩ, Khánh Ly cũng đứng ở một vị trí khác biệt, được trọng vọng, kính nể, bất chấp những tranh cãi, lùm xùm.
Suốt nhiều năm qua, tên tuổi Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh như hình với bóng. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh của bà được mượn vào Em và Trịnh. Trên thực tế, Khánh Ly nhờ nhạc Trịnh mà nổi tiếng. Ngược lại, nhạc Trịnh nhờ Khánh Ly mà được nhiều người biết tới.
Vì lẽ đó nên nhiều người nghĩ rằng, Khánh Ly chỉ hát nhạc Trịnh và tên tuổi của bà chỉ gắn với nhạc Trịnh. Có người còn nhận định, nếu không có nhạc Trịnh sẽ không có Khánh Ly, nhưng điều đó là chưa đúng.
Trên thực tế, Khánh Ly sở hữu một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, trải dài qua nhiều loại nhạc, với hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ danh tiếng như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Từ Linh.
Và điều hiển nhiên ai cũng thấy, là Khánh Ly hát nhạc nào cũng hay, thành công với bài hát của nhiều nhạc sĩ, được khán giả yêu thích tìm nghe, chứ không riêng gì nhạc Trịnh.
Chẳng hạn, Khánh Ly chính là người đầu tiên hát Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên và tạo tiếng vang cho nó (vào năm 1971). Bà cũng thành công với nhiều bài hát của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, hay được đích thân nhạc sĩ Phạm Duy thốt lên:
"Những bài hát đó (tâm ca của Phạm Duy) nghe rất hay vì phù hợp với giọng ca Khánh Ly. Có bài tôi hát chung với Khánh Ly mà bản thân tôi nghe đi nghe lại hoài không chán lỗ tai!".
Ai cũng biết, nhạc sĩ Phạm Duy vốn rất tinh tế, uyên bác nên đòi hỏi rất cao ở người ca sĩ hát nhạc của mình. Hơn nữa, gắn liền với nhạc Phạm Duy lại là cái bóng quá lớn của Thái Thanh – một giọng hát trác tuyệt ít ca sĩ nào sánh kịp.
Vì vậy, để được Phạm Duy tấm tắc khen ngợi như vậy quả là một kỳ tích. Điều này chứng tỏ rằng, tự thân Khánh Ly đã là một tượng đài riêng biệt chứ không phải cây tầm gửi bám vào nhạc Trịnh, phải nhờ nhạc Trịnh mới sống được như nhiều lời đồn đoán.
Bản thân Khánh Ly cũng từng lên tiếng: "Nếu nói rằng chỉ hát nhạc Trịnh thì hóa ra là tôi phụ lòng những nhạc sĩ khác. Vì trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao rồi".
Ngoài nhạc Trịnh, Khánh Ly còn thành công vang dội và được đánh giá cao khi hát nhạc Tango. Bà được xếp vào một trong số 26 người hát nhạc Tango hay nhất thế giới (theo ông Donald Cohen, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, nguyên chủ tịch Hội Âm Nhạc Hoa Kỳ).
"Điệu nhạc Tango vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, theo chân của những người Pháp. Nó được phổ biến rộng rãi và yêu thích cho tới nay, kể cả trong nước lẫn cộng đồng tị nạn ở nước ngoài.
Tôi nhận thấy Khánh Ly yêu nhạc Tango một cách đặc biệt, chương trình của cô không bao giờ thiếu những bản Tango. Cô là ca sĩ duy nhất thâu năm album toàn nhạc Tango (ngoại quốc và Việt Nam), album nào cũng được thính giả khắp nơi đón nhận" – Donald Cohen viết.
Qua đó, đủ để thấy, Khánh Ly là một tài năng âm nhạc riêng biệt, với cá tính, bản sắc âm nhạc riêng có. Nếu không có nhạc Trịnh, Khánh Ly vẫn sẽ nổi tiếng. Chỉ có điều, sự nổi tiếng đó sẽ đến muộn hơn và không chắc đạt đến đỉnh cao như hiện tại. Ngược lại, nếu không có Khánh Ly, nhạc Trịnh cũng chưa chắc vang danh đến vậy.
Khánh Ly hát rất nhiều, sở hữu cả một kho tàng hàng trăm bài hát, nhiều tới mức một khán giả thông thường khó lòng nghe hết được những ca khúc bà từng thể hiện.
Nội dung trong âm nhạc Khánh Ly thể hiện cũng vô cùng rộng lớn, bao gồm nhiều chủ đề về tình yêu đôi lứa, đất nước, chiến tranh, hòa bình, triết lý, triết học, nhân sinh, nhân loại. Rất ít ca sĩ có thể hát nhiều ca khúc mang nội dung nhân loại một cách nhất quán, xuyên suốt như Khánh Ly.
Giọng hát Khánh Ly mang hơi hướm Joan Baez, là một giọng hát bình dân nhưng đặc biệt, âm sắc lạ, độc nhất vô nhị. Bà chọn cho mình lối hát ít kỹ thuật, giản dị, phóng khoáng, có độ phủi, độ trải và độ đời. Đó là tiếng hát của phiêu du, lang bạt, giang hồ, tự do.
Nhờ đó, âm nhạc Khánh Ly thể hiện tiếp cận được đại chúng đông đảo, thấu trọn và mê hoặc nhiều tầng lớp người, từ lao động nghèo, bình dân tới dân trí thức, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, xứng đáng với danh xưng Nữ hoàng chân đất – một danh xưng đậm tính hiện sinh.
Tiếng hát Khánh Ly trong thập niên 70 dẫn đầu âm nhạc phản chiến, hiện sinh, triết học.
Mối quan hệ giữa nhạc Trịnh và Khánh Ly có thể gọi là "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", tức là mối quan hệ cộng hưởng, tâm giao, cần có nhau để cùng làm nên hai huyền thoại. Thiếu một trong hai, huyền thoại sẽ không xuất hiện.
(Nguồn Soha; Bài viết của Long Phạm)