Đang làm giám đốc Marketing với mức lương cao hàng nghìn đô, thế nhưng Phượng Nguyễn vẫn quyết định bỏ việc để theo đuổi đam mê dành cho hoa tươi, và đam mê ấy đã giúp cô chinh phục thành công 40 nhà đầu tư lớn của Topica Founder Institute.
Start-up không bao giờ dễ dàng, start-up khi làm mẹ càng khó vì nó đồng nghĩa với việc từ bỏ một công việc với nguồn thu nhập ổn định và chấp nhận áp lực của việc gây dựng một dự án bắt đầu từ số 0 tròn trĩnh, trong khi vẫn phải duy trì những bận rộn không tên của một người vợ, người mẹ.
Nhưng nếu nguồn năng lượng dồi dào thúc đẩy những người trẻ start-up đến từ khát vọng chứng tỏ mình thì những người mẹ start-up với động lực trở thành một case-study cho chính con mình sau này: Rằng mẹ đã vượt qua tất cả để theo đuổi ước mơ như thế nào! Cùng gặp gỡ Phượng Nguyễn, người vừa chinh phục thành công 40 nhà đầu tư lớn của Topica Founder Institute.
Một cuộc sống rất khác
Theo dõi facebook Phuong Krystine Nguyen, bạn sẽ thấy một phụ nữ luôn rạng rỡ trong những chiếc váy nhẹ như mây. Gương mặt toát lên vẻ đẹp viên mãn của một phụ nữ độc lập, hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình. Và trên tay cô ấy thường ôm một bó hoa đẹp đến ngạc nhiên.
Giờ này hai năm trước, Phượng vẫn đang là một giám đốc Marketing với mức lương cao và chính sách đãi ngộ rất tốt. Nhưng đổi lại là những buổi sáng tất tả đến cơ quan sau khi đưa con đến trường không kịp cả ăn sáng. Muốn tập gym hay yoga thì phải tranh thủ sau giờ làm, “ăn gian” một tiếng vào quỹ thời gian dành cho con. Cũng không thể tham dự đầy đủ những buổi diễn văn nghệ, thi đấu thể thao của con hay thực hiện những chuyến du lịch gia đình dài ngày.
Giờ thì mọi việc đã thay đổi. Phượng đang là chủ nhân một thương hiệu hoa tươi phong cách châu Âu với cửa hàng nhỏ xinh tại Phố Huế (Hà Nội), Kim Mã và Trần Duy Hưng.
Mỗi buổi sáng, sau khi cả nhà cùng đưa con tới trường, ba mẹ có thời gian đi cà phê ăn sáng trước khi bắt đầu công việc. Phượng có thể xếp lịch tập yoga vào đầu giờ chiều và 4h30 có mặt ở điểm dừng xe buýt của trường để cùng con đi bộ 5 phút về cửa hàng.
“Chỉ là 5 phút nhưng đó là 5 phút quan trọng và quý giá!”, Phượng chia sẻ. Trong khi cô công chúa 8 tuổi làm bài tập, vẽ vời tại một góc phòng làm việc thì Phượng tiếp tục công việc của mình. Sau bữa tối, Phượng tự tay nấu, cả nhà sẽ có trọn vẹn 1 tiếng không-điện-thoại, không-máy-tính để chuyện trò và chơi đố chữ. Ai phạm quy sẽ bị ghi “phiếu bé hư” và phạt thêm 1 tiếng nữa. Năm nay, cả nhà đã có 4 chuyến du lịch gia đình nhờ vào quỹ thời gian linh hoạt của ba mẹ. Và quan trọng là, cả nhà ai cũng thoải mái và hạnh phúc.
Nhưng “tua” lại thời điểm 2014, khi Phượng quyết định từ bỏ công việc Giám đốc Marketing để mở cửa hàng hoa, bạn bè và cả chị gái của cô đều hoảng hốt cho đó là lựa chọn điên rồ. Không ai bỏ lương hàng nghìn đô để đi bán hoa cả!
100 likes facebook và quyết định thay đổi cuộc đời
Có điều, Phượng vốn không nhìn nhận việc bán hoa theo cách của mọi người. Với Phượng, bán hoa chính là thoả mãn đam mê của mình và là “bán cảm xúc”, bán những trải nghiệm cảm xúc mới mẻ cho những người đang quá tải bởi công việc, ngột ngạt trong vòng lặp tẻ nhạt của đời sống thường nhật.
Cắm hoa, tự tay ra chợ hoa chọn mua rồi bó tặng người thân, bạn bè đã luôn là sở thích của cô. “Khó tìm được hoa đẹp ngoài chợ, các cửa hàng hoa cũng không có những loại hoa mình thích. Ở Việt Nam, bán hoa được coi là một công việc chân tay. Hoa thường được bán ở lề đường, vỉa hè. Những người bán hoa không được học về mỹ thuật, cũng ít được đào tạo bài bản”. Cũng vì thế, Phượng nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ mở một tiệm hoa nhỏ xinh, để phục vụ niềm đam mê hoa của mình cũng như bạn bè xung quanh.
Và thế là mùa hè năm 2012, Phượng treo lên “tường” facebook một status vui. Nếu đủ 100 likes sẽ mở cửa hàng hoa phục vụ bạn bè. Không ngờ bạn bè kéo vào like ùn ùn.
Ngày 10/11/2012 đánh dấu ngày đầu tiên cửa hàng hoa của Phượng ra mắt, dù thời điểm này shop chỉ mới nhận đặt hàng qua facebook. Trước sự bất ngờ của Phượng, các đơn đặt hàng ào ào đổ về và đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thì chính thức quá tải.
Phượng bắt đầu thử nghiệm những ý tưởng táo bạo hơn: Nhập khẩu hoa từ châu Âu về bán thông qua một công ty nhập khẩu hoa chuyên nghiệp. Thử nghiệm đầu tiên được “đặt cược” vào huệ tây Hà Lan. Cây hoa nhập về ở dạng củ mầm, sau một tuần sẽ nở hoa và “chơi” được tới 30 ngày. Nói là đặt cược vì khi ấy cửa hàng của Phượng chỉ là một shop online, không có kho. Dự đoán sai sản lượng, đặt về nhiều trong khi khách mua ít thì trong điều kiện kho bảo quản chưa có sẽ dễ hỏng. Nhưng dự cảm của Phượng đã chính xác. Mặc dù giá hoa không hề rẻ, 120.000 đồng/ cây nhưng đơn đặt hàng nhiều đến nỗi shop phải giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 3 cây. Từ thành công với huệ tây, cửa hàng tiếp tục tiên phong nhập khẩu hoa oải hương khô cung cấp cho thị trường Hà Nội và một lần nữa, shop không đủ hoa để cung ứng cho “cơn sốt” oải hương.
Đến cuối năm 2014 thì Phượng quyết định nghỉ việc để dồn toàn tâm toàn ý cho cửa hàng.“Nói ra thì có vẻ lạ nhưng chính người bạn đời của mình lại là người luôn thúc giục mình thực hiện điều đó. Anh nói với mình rằng “ngành gì cũng có thể làm TO được!”. Hai người quan trọng khác Phượng hỏi ý kiến chính là mẹ đẻ và con gái Quế Anh. Con gái đã rất vui và cổ vũ mẹ còn mẹ đẻ thì rất cởi mở ủng hộ mọi lựa chọn của Phượng “miễn sao đó là việc làm chân chính”. Sự ủng hộ của gia đình khiến Phượng cảm thấy tăng đến 60% tự tin cho quyết định của mình.
Cứ theo đuổi ước mơ, cả vũ trụ sẽ giúp bạn!
“Mọi người đều nói rằng đó là một quyết định DŨNG CẢM. Bởi ai cũng nghĩ rằng từ bỏ công việc vị trí cao với thu nhập đều đặn ổn định để bắt đầu xây dựng một công ty nhỏ đồng nghĩa với việc bỏ phí những quan hệ xã hội, hạn chế các cơ hội networking… Nhưng không hẳn thế. Mình nhận ra rằng ở đâu cũng có cơ hội".
Khi quyết định chọn nghề hoa, việc đầu tiên Phượng làm là bỏ tiền túi, sang Anh học một khóa thiết kế hoa nâng cao ngắn hạn tại Học viện hoa London. Khóa học này giúp Phượng chuẩn hóa việc kinh doanh hoa chuyên nghiệp, đưa khái niệm “nghệ nhân hoa có bằng cấp” vào một shop bán hoa Hà Nội. Vừa làm, Phượng vừa tận dụng mọi cơ hội học hỏi và tìm kiếm sự hỗ trợ. Và cửa hàng của Phượng đã thực sự thay đổi toàn diện khi được PUM - Tổ chức chuyên gia tư vấn cao cấp Hà Lan lựa chọn hỗ trợ. Một chuyên gia về hoa của Hà Lan có hơn 50 năm kinh nghiệm đã được cử đến Hà Nội để đào tạo toàn thời gian cho tất cả nhân viên của cửa hàng trong vòng 15 ngày.
Sau khóa học này, đội ngũ nhân viên của cửa hàng đã nắm được quy trình chăm sóc bảo quản hoa, kỹ thuật cắm hoa chuyên nghiệp; biết đến và sử dụng thành thạo rất nhiều dụng cụ làm hoa giúp rút ngắn nhiều quy trình trong công việc.
Một cơ hội quý giá khác là khi Phượng được chọn là 1 trong 10 doanh nhân trẻ tiêu biểu nhất ASEAN (ASEAN Young Business Leaders), được chính phủ New Zealand mời sang nước này tìm hiểu về nông nghiệp hiện đại. Giữa các doanh nghiệp mía đường, ca cao, cao su… câu chuyện về hoa của Phượng hấp dẫn cả nhà tổ chức lẫn những doanh nghiệp tham gia. Phượng có cơ hội kết nối với những lãnh đạo trẻ của New Zealand, những doanh nghiệp xuất khẩu hoa của New Zealand, bổ sung thêm vào mạng lưới đối tác cung cấp hoa của cửa hàng: Từ những trang trại hoa tại Đài Loan, Hà Lan tới các trang trại tại Ecuador của các doanh nghiệp Mỹ.
Ngày 10/8 vừa qua, với 2give, Phượng đã trở thành người sáng lập nữ duy nhất trong 8 start-ups được Chương trình huấn luyện khởi nghiệp TFI chọn giới thiệu trước 40 quỹ đầu tư lớn đến từ Thung lũng Silicon, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore… qua đó tiếp cận nguồn vốn đầu tư hàng triệu đô-la.
“Start-up chắc chắn không “nhàn hơn” mà thậm chí áp lực hơn nhiều so với khi còn làm trong các công ty lớn vì từ chỗ làm cho vui, giờ đây mình phải chịu trách nhiệm với mấy ch nhân viên. Nhưng cảm giác rất thanh thản khi mỗi ngày thức dậy chủ động hoàn toàn với quỹ thời gian của mình, lên kế hoạch cho những điều mình muốn và yêu thích”, Phượng chia sẻ.
Con gái của Phượng, bé Quế Anh rất tự hào về mẹ. Với một cô bé 8 tuổi, câu chuyện khởi nghiệp của mẹ có lẽ chính là bài học sinh động nhất về ước mơ và theo đuổi ước mơ.