28/02/2023
DỤNG CỤ DÙNG TRONG GỌT TỈA VÀ CHĂM SÓC HOA THỦY TIÊN Part 2
1. DỤNG CỤ THỦY DƯỠNG (CHẬU DƯỠNG)
Chậu dưỡng thủy tiên là loại chậu không lỗ đặc biệt bằng đất nung không tráng men. Chất đất, nhiệt độ nung khác biệt với các đồ gốm sứ thông thường nên chậu xốp hơn (có chứa các bọt khí li ti bên trong). Điều này tạo ra loại chậu có khả năng thẩm thấu nước, lưu giữ bọt khí trong thành chậu. Vào những ngày nắng nóng đặc điểm này phát huy tối đa tác dụng. Nước thẩm thấu qua thành bát bay hơi giúp hạ nhiệt độ trong bát dưỡng nên nước trong bát đất nung loại này luôn mát hơn trong các loại bình thủy tinh, nhựa … trong cùng điều kiện. Chính vì những đặc tính này mà chậu dưỡng giúp cho bộ rễ thủy tiên hô hấp tốt hơn đồng thời cách nhiệt tốt hơn. Bát đất nung cũng chắn sáng tốt hơn các dụng cụ khác giúp rễ phát triển tốt hơn
Bên cạnh đó hình dáng của chậu được thiết kế đặc biệt chỉ dành cho mục đích dưỡng thủy tiên nên rất tối ưu. Chậu có hình dáng cao thuôn nhỏ vè phía dưới để rẽ phát triển phần trên loe ra và có vành để đỡ củ khỏi lọt xuống cũng như thuận tiện nhấc củ ra, đặt vào khi tắm rửa
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Những ưu điểm của chậu đất nung trong 1 số trường hợp lại là nhược điểm. Thứ nhất do thẩm thấu nên buộc phải kiểm tra mực nước thường xuyên. Nếu để quên nước cạn hết sẽ hỏng bộ rễ. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì cứ ngâm bát 1 ngày đêm cho hút no nước rồi đổ đầy. Nếu qua 24 giờ mà lượng nước thất thoát khoảng từ 30%-50% là ổn. Vì với lượng đó vừa đủ luôn làm ướt thành bát, không chảy lênh láng ra sàn mà nếu có quên hoặc nhỡ 1 hôm không bổ xung nước thì vẫn an toàn. Còn có một vấn đề nhỏ với chất liệu này là khi chậu nào bị nhiễm khuẩn phải cách ly và khử khuẩn tuyệt đối bằng nước sôi hoặc hóa chất vì không thể rửa sạch như thủy tinh hoặc đồ tráng men.
Cách đây vài năm, một số anh em chơi thủy tiên đã kỳ công phục dựng lại tôi cũng mua được chục cái về dùng. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi sau vài năm thì loại chậu cổ của các cụ để lại tuy hình thức có xấu hơn do làm thủ công nhưng lại có chất lượng cao hơn loại chậu mới ngày nay. Có lẽ do không tìm được đúng chất liệu đất hoặc chưa nắm được bí quyết nung,
Tuy nhiên hiện nay thị trường không có bán loại chậu này, mặc dù đã có người phục dựng nhưng số lượng rất ít và chất lượng cũng chỉ tương đối.
Ngay trước khi phát hành cuốn sách này tôi được Anh Nguyễn Duy Đức tặng cho một chậu dưỡng đặc biệt chiếc chậu này được một nghệ nhân kỳ công tái hiện lại chất gốm cổ bằng cách trộn đất sét của vùng làng Chèm với bột giấy dó. Với rất nhiều lần thử nghiệm, kỳ công đã cho ra lò những chiếc bát có độ thẩm thấu tốt nhưng lại vẫn rắn chắc và có màu của gạch non nhạt. Sau khi hoàn thành lô bác dưỡng này người nghệ nhân đã đập khuôn và kiên quyết không làm nữa với lý do nó quá phức tạp. Theo một số người đã sử dụng chất lượng của nó rất tốt. Còn bản thân tôi vẫn chưa sử dụng kịp nên chưa có đánh giá cụ thể. Tuy nhiên cũng đáng tiếc khi chúng ta không thể sản xuất thêm nhiều chiếc bát dưỡng như vậy nữa
Hình 1: Mẫu bát dưỡng cổ (trái) và mẫu bát mới phục dựng (phải)
Hình 2: Nhiều loại bát dưỡng đất nung khác nhau
Các bạn có thể từ mẫu này chế ra các dụng cụ để dưỡng hay dùng các dụng cụ khác mà không nhất thiết phải là chậu dưỡng đất nung. Chẳng hạn bình thủy tinh, nhựa, bát chiết yêu… thậm chí thùng xốp. Chỉ cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Phần ngập rễ càng tối càng tốt
- Thiết kế chậu phải đỡ được củ thủy tiên để củ không chìm xuống nước
- Dễ lấy ra đặt vào
- Dễ vệ sinh
- Cách nhiệt tốt
- Tối thiểu lượng nước nhất (đỡ vất vả khi thay)
Đừng quá cầu kỳ vì dụng cụ này chỉ giúp ta linh hoạt hơn, tiện dụng hơn chứ không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng giò hoa.
Nếu dùng bình thủy canh bằng thủy tinh nên che kín lại bằng băng dính đen hoặc đặt trong 1 vật dụng khác kín như cốc nhựa tối màu thì tác dụng cũng gần bằng chậu dưỡng đất nung
2. KIỀNG DƯỠNG THỦY TIÊN
Đây là 1 dụng cụ hoàn toàn mới. Mùa hoa 2021-2022, Anh Lê Văn Thư một cao thủ thủy tiên có nhiều sáng kiến và ý tưởng độc đáo đã sáng tạo ra chiếc kiềng dùng để dưỡng Thủy Tiên trong bất kỳ dụng cụ nào có thể chứa nước và đủ chứa củ với kiềng.
Hình 3, 4, 5 là chiếc kiềng tôi làm theo mẫu thiết kế của anh Thư nhưng điều chỉnh kích thước chút ít để phù hợp với nhu cầu cá nhân
Chiếc kiềng này dù không thay thế chậu dưỡng nhưng nó giải phóng người chơi khỏi những chậu dưỡng truyền thống. Có thể dưỡng trong các khay nhựa trồng rau thùng xốp thậm chí xong nồi… chỉ cần chiều sâu lớn hơn chiều cao của kiềng và đủ rộng. Bên cạnh đó nó có rất nhiều ưu điểm:
- Tay cầm giúp chúng ta không phải ngâm tay vào nước lạnh những ngày đông giá rét.
- Không phải trực tiếp cầm vào củ nên hạn chế tối đa gãy hỏng hoa
- Khi bỏ ra ngoài chân kiềng sẽ đỡ bảo vệ bộ rễ và chúng ta lại rảnh tay để vệ sinh
- Có thể dưỡng chung nhiều bát hoa trong 1 chậu lớn (không nhất thiết)
- Có thể sử dụng dây buộc vào kiềng để hỗ trợ quá trình tạo hình, uốn nắn…
Hình 6, 7 sử dụng kiềng
Nhược điểm của nó là không xếp gọn khi cất và giá thành không rẻ nếu dùng nhiều. Còn trong trường hợp mỗi mùa gọt một hai chục củ thì chỉ cần 5 cái kiềng này là đủ. Sản phẩm nhỏ chỉ cần 1.3m dây inox 304 (chống gỉ) nhưng cần tới 5 lần cắt làm 5 chi tiết với 5 lần uốn và 8 mối hàn nên ít người nhận gia công. Trong trường hợp không thể mua hoặc đặt làm được người dùng có thể xem cấu tạo trong hình vẽ rồi tự uốn bằng dây thép bọc nhựa cũng có tác dụng tương tự
Còn bạn Vũ Xtom lại sáng tạo ra cách dùng ống nước PVC và dây điện quấn lại để đỡ củ. Với cách này có thể chủ động nhiều cỡ củ kể cả củ nhánh củ Âu đều được không cần phải cắm que vào thân củ… rất nhiều sáng tạo
Hình 8,9 cách dùng dây điện đỡ củ
3. GHIM CHỈNH/CÀI HOA
Quá trình dưỡng song song với tạo hình cho bát hoa thủy tiên. Rất nhiều thủ thuật được thực hiện lúc này. Như xén thêm lá, gãi lá, cù hoa, châm lùn, chỉnh lá/ cuống hoa. Nên 1 dụng cụ rất cần thiết để tạo ra một bát hoa theo ý muốn là ghim. Những chiếc ghim này dùng để điều chỉnh hướng của bao hoa hay cuống hoa, cài lá rồi cố định chúng ở vị trí mong muốn.
Phổ biến nhất là dùng que tre mà ngày nay dùng que xiên thịt bán rất rẻ ngoài các hàng khô. Nhược điểm là que tre to thường để lại vết thương lớn khi xiên vào củ, que tre cũng chỉ điều chỉnh được trong phạm vi hẹp do không uốn được. Một loại ghim khác là lông nhím nhỏ, nhìn đẹp mắt hơn nhưng cũng tương tự như que tre
Ghim bằng kim loại có thể khắc phục nhược điểm nói trên, lỗ nhỏ, có thể uốn được nên chỉnh được cả chiều cao, tạo móc/ vòng để đỡ… chính sự linh hoạt này giúp tạo hình, chỉnh hoa hiệu quả hơn. Nên dùng sợi inox cứng 304 loại 1ly đến 1,2 ly độ dài khoảng 20cm để có thể dùng cho cả vị trí cao. Khi dùng cho vị trí thấp thì có thể uốn ghim theo yêu cầu. Kim băng cũng dùng được nhưng bằng sắt mạ hoặc inox kém rất dễ tạo ra vết đen ở lỗ châm
Hình 10: Các loại ghim phổ biến
Hình 11: Chỉnh hướng cuống hoa. Hình 12: Chỉnh hướng bao hoa thẳng. Hình 13: Chỉnh/ uốn cuống hoa (bao gồm luôn cả lá và vảy rồng) cong gập xuống
Ngoài ra người chơi vẫn cần đến panh kẹp, kéo nhỏ và bút/ chổi lông đã nói trong phần dụng cụ gọt.
Càng về cuối quá trình dưỡng lá phát triển càng mạnh nên củ hoa không còn thoáng như lúc đầu. Đặc biệt là với các bát hoa gọt kỹ, xén kỹ, cuống hoa gập sát mặt cắt , lá cũng cuộn tròn hoặc như lò xo nên rất nhiều phần cây chổi lông to không thể đưa vào được. Lúc này các loại bút/ chổi lông nhỏ lại phát huy tác dụng. Sau nhiều năm chơi thủy tiên tôi tự tạo cho mình 1 chiếc bút / chổi lông nhím để sử dụng. Nó vừa có thể vệ sinh linh hoạt các ngóc ngách lại có thể dùng đầu nhọn để cạy vảy rễ, gỡ rễ, dùng cán để chỉnh hoa, đôi lúc tiện tay cắm luôn nó thay cây ghim. Nhưng thích nhất vẫn là dùng nó để châm lùn. Chọn loại lông nhím to bằng đầu đũa làm cán sẽ giúp cầm vững chắc, cảm nhận chính xác hơn loại nhỏ
Hình 14: Cây bút lông nhím tiện dụng