Thế Giới Của Những Điều Kỳ Thú Lạ Kỳ

Thế Giới Của Những Điều Kỳ Thú Lạ Kỳ Trang Thế Giới Của Những Điều Kỳ Thú Lạ Kỳ ghi lại những sự kiện thú vị

Kỳ lạ thị trấn có cực quang xuất hiện tới 300 đêm mỗi nămThị trấn Churchill tại Canada là một điểm đến du lịch độc đáo v...
14/03/2024

Kỳ lạ thị trấn có cực quang xuất hiện tới 300 đêm mỗi năm
Thị trấn Churchill tại Canada là một điểm đến du lịch độc đáo với nhiều trải nghiệm thú vị.

Churchill, Manitoba, Canada là một thị trấn đặc biệt. Đây là một trong số ít những nơi trên thế giới mà con người bị áp đảo bởi những kẻ săn mồi lớn nhất trên đất liền - gấu Bắc Cực. Ngoài ra, Churchill còn có nhiều đặc điểm thu hút du khách khác như cực quang xuất hiện trung bình 300 đêm mỗi năm, cá voi về cửa sông thị trấn kiếm ăn.

Thời điểm tốt nhất để thăm Churchill

Khi lên kế hoạch cho chuyến thăm tới Churchill, bạn cần xác định trước xem mình muốn chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên nào, vì mỗi mùa đều có những đặc trưng riêng.

Mùa thu (tháng 10-tháng 11) là thời điểm hoàn hảo để ngắm gấu bắc cực. Chúng thường đi dọc bờ biển Vịnh Hudson vào thời điểm này trong năm. Nếu bạn ghé thăm thị trấn vào giữa hoặc cuối tháng 10, bạn có thể phát hiện ra những con gấu Bắc Cực khổng lồ đang sinh hoạt trên lãnh thổ của chúng. Từ giữa đến cuối tháng 11, băng và tuyết đọng lại trên bề mặt tạo nên một khung cảnh tuyệt vời khác - thiên đường tuyết trắng.

Mùa đông (tháng 2 - tháng 3) là thời điểm lý tưởng để ngắm cực quang, vì ban đêm trong thời điểm này trời lạnh và trong lành khiến mây ít che phủ hơn.

Mùa hè (tháng 7-tháng 8), hàng nghìn con cá voi Beluga sẽ đổ về cửa sông Churchill để kiếm ăn, sinh con và vui chơi.

Những trải nghiệm tốt nhất tại Churchill

1. Săn tìm, chụp ảnh gấu Bắc Cực

Gấu Bắc Cực thường chỉ được tìm thấy ở những vùng xa xôi trên khắp năm quốc gia Bắc Cực - từ Na Uy đến Greenland - Tuy nhiên, bạn cũng có thể bắt gặp chúng ở những địa điểm dễ dàng tiếp cận hơn nhiều. Trong đó, Churchill là một điểm đến cực nam có thể dễ dàng bắt gặp gấu Bắc Cực hoang dã, đặc biệt đây còn là nơi dễ tiếp cận.

Churchill là địa điểm ưa thích của gấu Bắc Cực vì thị trấn này giúp chúng tiếp cận nguồn thức ăn sớm hơn bởi tại đây, băng hình thành đầu tiên và tan chảy cuối cùng. Theo Cơ quan Động vật hoang dã Canada, có khoảng 1.000 con gấu Bắc Cực đi lại tự do trong Churchill

2. Chơi với cá voi Beluga

Trong những tháng hè ấm áp, hàng nghìn con cá voi Beluga sẽ đổ về cửa sông Churchill để sinh sản và kiếm ăn. Bạn có thể ngắm nhìn đàn cá voi bằng cách sử dụng thuyền, chèo kayak, ván chèo đứng hoặc tàu cao tốc.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phát hiện ra những con gấu Bắc Cực bắt đầu bơi vào bờ sau nhiều tháng kiếm ăn trên biển.

3. Ngắm nhìn cực quang

Cực quang xuất hiện trên bầu trời Churchill tới 300 đêm một năm. Có năm địa điểm độc đáo xung quanh thị trấn có thể giúp bạn chiêm ngưỡng cực quang một cách trọn vẹn, bao gồm Dan's Diner, một nhà hàng Tundra Buggy độc quyền nằm tách biệt trên vùng lãnh nguyên băng giá.


Chạm mũi - 'lời chào quốc gia' ở New ZealandTrong chuyến thăm New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã thực...
13/03/2024

Chạm mũi - 'lời chào quốc gia' ở New Zealand
Trong chuyến thăm New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã thực hiện nghi thức chạm mũi hongi với các lãnh đạo Maori, thể hiện sự gắn kết, tôn trọng.

Hongi hay chạm mũi là cách chào hỏi đặc trưng của người Maori ở New Zealand, thường được sử dụng khi chính phủ New Zealand tiếp đón nguyên thủ, hoàng gia các nước. Công nương nước Anh, Kate Middleton cũng từng chạm mũi lãnh đạo thổ dân Maori Lewis Moera vào năm 2014.

Chào hongi đúng cách gồm nắm lấy tay đối phương giống như khi bắt tay, nghiêng người về phía trước và nhẹ nhàng ấn mũi, trán vào nhau. Trán kề trán, mũi kề mũi, hơi thở kề nhau. Đặt tay lên vai người khác cũng được chấp nhận thay cho nắm tay.

Giáo sư Angus Macfarlane, nghiên cứu về người Maori thuộc Đại học Canterbury, cho biết động tác chạm mũi này được cả thế giới biết đến như một lời chào hỏi ở New Zealand nhưng không phải mọi người dân đều sử dụng. Nó được thực hiện bởi những người Maori bản địa và hongi giữ vai trò quan trọng trong văn hóa của họ.

Theo thần thoại của người Maori, thần Tāne-nui-a-Rangi đã tạo ra người phụ nữ đầu tiên Hine-ahu-one và thổi sự sống vào nàng bằng cách chạm mũi mình vào mũi người phụ nữ. "Tane được coi là tổ tiên của Te Ao Māori (người Maori)", giáo sư Macfarlane nói. Hongi được coi là nơi bắt nguồn hơi thở của sự sống. Ngày nay việc chạm mũi khi chào hỏi mang ý nghĩa giữa hai người sẽ chia sẻ hơi thở sự sống với nhau, hình thành một liên kết đặc biệt giúp xóa bỏ mọi khoảng cách về địa lý, văn hóa.

Với nhiều người, hongi chính là cách chào hỏi của những vị thần dựa trên truyền thuyết cổ xưa. Macfarlane cho biết tùy từng dịp mà hongi thể hiện sự trang trọng hoặc nhẹ nhàng, vui tươi. Hongi không chỉ thực hiện trong các nghi lễ đón lãnh đạo, hoàng gia các nước mà còn xuất hiện trong các giải đấu quần vợt của người Maori. Sau mỗi trận đấu mọi người sẽ lại gần bắt tay và thực hiện hongi với nhau. Với du khách, mọi người cũng có thể áp dụng nghi thức chào hỏi này với người dân địa phương để thể hiện sự tôn trọng.

Giáo sư Te Hurinui Clarke, cũng thuộc Đại học Canterbury, cho biết có nhiều biến thể của hongi. Với một số người, đó chỉ là việc chạm vào mũi nhưng những người khác lại bao gồm việc chạm vào trán thể hiện trao đổi về hơi thở và kiến thức. "Hongi còn là một hành động mang tính tinh thần", giáo sư Clarke nói.

Sinh ra và lớn lên ở vùng Vịnh Plenty, giáo sư Clarke cho biết hongi ở quê nhà ông gồm hai lần chạm mũi thay vì một lần. Lần đầu là để chào người đối diện, lần thứ hai là chào hỏi và thể hiện sự kính trọng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của người đó.

Clarke thường quên và chỉ chạm một lần và sau đó thường được kéo lại để chạm thêm lần nữa. "Hongi đã và luôn là lời chào hàng ngày trong cộng đồng người Maori", ông nói.

Do hongi là hình thức chạm chóp mũi nên nhiều du khách cảm thấy e ngại với phong tục này. Clarke nói điều này dễ hiểu vì "tiếp xúc trực diện có thể bị coi là đáng sợ với một số người". Dù vậy, hongi vẫn là bản sắc và văn hóa bản địa ở New Zealand, tạo ra khác biệt đáng chú ý.

Theo hai giáo sư, cũng nhờ hongi mọi người bắt đầu biết rằng thế giới Maori có nhiều điều thú vị để khám phá. "Điều quan trọng là tinh thần của lời chào hỏi này cần được tôn trọng", Clarke nói và cho rằng hongi được mọi người dân New Zealand áp dụng làm lời chào quốc gia "là điều đáng mừng".

Anh Minh (Theo Stuff)

Con đường lái xe khó nhất thế giớiĐường D915 dài 105 km, nối hai thị trấn Of và Bayburt ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ được đánh...
12/03/2024

Con đường lái xe khó nhất thế giới
Đường D915 dài 105 km, nối hai thị trấn Of và Bayburt ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là con đường nguy hiểm nhất thế giới.

Trong nhiều năm, đường Yungas của Bolivia, hay còn gọi là "con đường tử thần" được coi là con đường nguy hiểm nhất thế giới. Nhiều bức ảnh và video người lái xe di chuyển trên con đường trải sỏi, uốn lượn xuyên qua dãy núi Cordillera Oriental cao 4.650 m được chia sẻ, biến Yungas trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Bolivia, thu hút khoảng 25.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, theo một số nhà thám hiểm, còn có một con đường khác có độ khó vượt qua con đường tử thần.

D915, đường nối tỉnh Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ với Biển Đen, có vô số ngã rẽ và những đoạn dốc cao khiến việc lái xe trở nên nguy hiểm ngay cả với những tài xế lành nghề.

Lịch sử của con đường Babyurt - Of (D915) bắt nguồn từ Chiến dịch Trebizond (1916 - 1918), quân đội Nga chiếm được Trabzon. Người ta cho rằng con đường này được những người lính Nga xây dựng bằng các dụng cụ cầm tay. Trừ một số đoạn được trải nhựa ở hai đầu, phần lớn con đường là sỏi đá.

Thoạt nhìn, D915 trông không quá nguy hiểm nhưng khi đi từ hai đầu, đường nhựa dần thay thế bằng sỏi, con đường ngày càng hẹp và dốc hơn. Tổng cộng có 38 vòng cua gắt trên cung đường nhưng nổi tiếng nhất là vòng quay Derebaşı. Ngoài ra, có 17 vòng cua trải dài 5,1 km, từ độ cao 1.712 m đến 2.035 m so với mực nước biển, độ dốc đạt đỉnh 17%.

Không có lan can đường bên phía vực, đoạn dốc nhất của đường rất hẹp. Khi hai phương tiện đi ngược chiều nhau, một chiếc xe phải lùi lại để nhường chỗ. Tình huống này đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù dày đặc hoặc mưa. Hai hiện tượng này lại diễn ra thường xuyên cả trong mùa hè. D915 thường đóng cửa từ tháng 10 đến đầu tháng 7 do đường bị đóng băng, tuyết.

Một số lối rẽ trên D915 quá hẹp, các phương tiện lớn thường cố gắng quan sát thời điểm không có xe đi hướng ngược lại để di chuyển thuận lợi. Tuy nhiên, đây là con đường đông đúc do có hàng trăm người dân địa phương sử dụng hàng ngày. Có hai con đường thay thế khác giữa Of và Bayburt, nhưng D915 ít đường vòng hơn nên được nhiều người lựa chọn, bất chấp nguy hiểm.

Đứng từ đỉnh cao nhất của đường D915, du khách có thể quan sát một số khung cảnh đáng kinh ngạc. Nhưng do độ nguy hiểm, nó không được đề xuất là điểm du lịch hút khách. Một lần di chuyển sai lầm có thể dẫn đến bi kịch. Vì vậy, D915 chỉ dành cho những tài xế có tay lái cứng, không phù hợp với khách du lịch thích cảm giác mạnh, ưa mạo hiểm.

Quỳnh Mai (Theo Oddity Central)


Một tháng thám hiểm Nam Cực của nhiếp ảnh gia ViệtMột tháng lênh đênh trên tàu đến Nam Cực, nhiếp ảnh gia Ngọc Thiện đượ...
11/03/2024

Một tháng thám hiểm Nam Cực của nhiếp ảnh gia Việt
Một tháng lênh đênh trên tàu đến Nam Cực, nhiếp ảnh gia Ngọc Thiện được hòa mình vào thời tiết, địa hình, động vật hoang dã ở nơi anh gọi là "biên giới vĩ đại cuối cùng để con người khám phá".

Sau chuyến lặn biển ghi hình cá voi lưng gù ở vùng biển Đông Phi vào tháng 7/2023, Nguyễn Ngọc Thiện, nhiếp ảnh gia ở TP HCM, thực hiện chuyến thám hiểm tự túc các đảo cận Nam Cực và lục địa Nam Cực vào đầu năm 2024.

Anh Thiện là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải cuộc thi "Nhiếp ảnh đại dương quốc tế 2023" hạng mục "Những rạn san hô trên thế giới" và "Chân dung động vật biển" do tổ chức bảo tồn đại dương Ocean Geographic Society và tạp chí Ocean Geographic có trụ sở tại Australia tổ chức. Nam Cực là một trong những địa điểm anh mong muốn trải nghiệm một lần trong đời.

Vì hành trình dài, đi tự túc khá nhiều rủi ro và chi phí đắt đỏ, anh Thiện phải chuẩn bị và lên kế hoạch cho chuyến đi từ một năm trước. 31/1, nhiếp ảnh gia lên đường thực hiện chuyến đi mơ ước và trở về vào cuối tháng 2.

Địa điểm đầu tiên anh Thiện đặt chân đến là thành phố Ushuaia, Argentina. Ushuaia là thành phố có vị trí địa lý gần Nam Cực nhất so với tất cả các thành phố khác trên thế giới. Người Argentina tự hào gọi Ushuaia là "Fin del mundo" - Nơi tận cùng thế giới.

Được xem là Siberia của phương nam, ba hướng của Ushuaia được bao quanh bởi phần cuối của dãy núi Andes, hướng còn lại giáp biển về phía nam. Đây là nơi các con tàu thám hiểm xuôi theo eo biển Beagle tiến vào vùng biển nguy hiểm nhất thế giới - Drake Passage.

Ushuaia là thành phố có đa dạng hình thái thời tiết, biến chuyển liên tục, "từ mây mù âm u đến bình minh đỏ rực như lửa cháy, từ gió lốc, từ mưa phùn rét buốt đến màn trình diễn cầu vồng mãn nhãn ở đường chân trời", anh Thiện nói.

Từ bờ biển Argentina, anh Thiện đi tàu gần 700 km để đến quần đảo Falkland ở Nam Đại Tây Dương. Ở nơi có khí hậu khắc nghiệt và ẩm ướt quanh năm này, anh được chứng kiến thiên đường của các loài chim hoang dã, chim di cư và một số loài chim cánh cụt.

Sau khi đi 5 km địa hình đồi núi rồi xuyên qua đồng cỏ Tussac cao quá đầu người, anh Thiện đến một vách núi cheo leo để chiêm ngưỡng, chụp ảnh nơi làm tổ và chăm sóc con non của quần thể chim biển Albatross và chim cánh cụt Rockhopper.

Albatross (hải âu mày đen, ảnh) là một họ chim gồm khoảng 21-22 loài chim biển lớn, phân bố rộng rãi ở Nam Đại Dương và Bắc Thái Bình Dương. Còn chim cánh cụt Rockhopper là một trong những loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới, anh Thiện cho biết.

Tiếp tục di chuyển xa hơn đến vùng biển Nam Đại Tây Dương bằng tàu biển, nam du khách đến South Georgia, nằm giữa Argentina và Nam Cực. South Georgia là thiên đường hoang dã cận Nam Cực, nơi sở hữu hệ sinh thái đặc biệt hiếm có với núi tuyết, những đồng cỏ xanh rộng lớn và đường bờ biển dài. Đây là nơi có mật độ động vật hoang dã trên mỗi mét vuông dày đặc nhất thế giới.

Chim cánh cụt vua là loài "chiếm đóng toàn bộ đường bờ biển" và các cánh đồng cỏ ở vịnh St Andrew. Hơn 300.000 con chim cánh cụt vua cư trú trải dài từ bãi cát đen đến bờ các sông băng và chân núi tuyết.

Lần đầu tiên anh Thiện được tận mắt chứng kiến, tiếp cận và ghi hình quần thể King Penguins (chim cánh cụt vua) phân bố trên đảo với số lượng hàng triệu con. Đây là "cảnh tượng thiên nhiên hoang dã ngoạn mục nhất", khiến anh Thiện choáng ngợp pha lẫn phấn khích. "Tôi tự hào là một trong số rất ít người Việt Nam có cơ hội đặt chân lên hòn đảo để ghi hình về thiên nhiên hoang dã của vùng đất kỳ vĩ này", anh chia sẻ.

Đặt chân đến Antarctica (châu Nam Cực), "trước mắt tôi là một vùng đất băng giá khắc nghiệt, xa xôi và hoang sơ đến mức nơi đây vẫn là một trong những biên giới vĩ đại cuối cùng để con người khám phá", anh Thiện nói.

Các hoạt động khám phá Nam Cực thường diễn ra vào mùa hè, khi nhiệt độ dao động -1 độ C đến -10 độ C. Vào mùa đông, nơi này gần như không có ánh sáng mặt trời, nhiệt độ thấp nhất là -65 độ C và kéo dài trong suốt 6 tháng.

Tuy nhiên ngay cả vào mùa hè, có rất ít ánh sáng mặt trời chiếu đến đây. Thời tiết thay đổi liên tục từ nắng sang mưa tuyết dày đặc chỉ trong một tiếng. Đôi khi, ở đây xuất hiện những trận gió vùng địa cực với sức gió gần 200 km/giờ, khiến các tàu phải tìm nơi tránh và không thể đáp vào đất liền, anh Thiện cho biết.

"Thế giới băng giá" ở vịnh Thiên Đường (Paradise Bay) nổi tiếng với sự hoang sơ và tĩnh lặng, đến mức có thể thấy được ảnh phản chiếu của núi tuyết và sông băng soi bóng xuống mặt nước. Khi nhắm mắt lại, những người thám hiểm có thể nghe được tiếng các lớp băng tuyết đang dịch chuyển xung quanh, tiếng các mảng băng trôi va chạm vào nhau liên tục, hay tiếng của các loài động vật khuất sau những khối băng khổng lồ.

Nhóm anh Thiện ngồi trên tàu zodiac tiến vào các vịnh ở Nam Cực để khám phá hệ sinh thái động vật hoang dã ở cực Nam địa cầu như các loại chim cánh cụt Adelie, Gentoo, Chinstrap, các loài hải cẩu lông mao Fur Seal, hải cẩu Weddell, hải cẩu báo Leopard, cá voi lưng gù, cá voi sát thủ Orca.

Khi đi vào sâu hơn, tới những tảng băng trôi khổng lồ kỳ vĩ có niên đại hàng chục nghìn năm xuất hiện sừng sững, anh Thiện cảm giác như đang lạc vào kỷ băng hà ở Paradise Bay hay Cierva Cove. Khoảnh khắc được tận mắt chứng kiến và ghi hình tảng băng trôi A23a khiến anh Thiện "sốc" trước kích thước của nó. Đây là tảng băng trôi lớn nhất thế giới từng tách ra khỏi lục địa Nam Cực, nặng 1.000 tỷ tấn, rộng 4.000 km2 và có kích thước lớn gấp 3 lần diện tích của thành phố New York (Mỹ).

Trong quá trình di chuyển, nhiệt độ dần xuống thấp, các tảng băng trôi được hình thành rất nhanh. Sau khoảng vài chục phút, mặt nước đã xuất hiện dày đặc băng trôi, chắn gần như toàn bộ đường về. Người lái tàu phải len lỏi giữa các tảng băng trôi để tìm đường về trước khi trời tối và lạnh hơn.

Những ngày ở Nam Cực, anh Thiện đã có nhiều trải nghiệm như trekking trên miệng núi lửa ở Deception Island, trekking trên băng tuyết để lên những mỏm núi đá có tầm nhìn bao quát toàn bộ vùng biển băng giá Nam Cực bên ngoài Orne Habour.

Ở Nam Cực, hoàng hôn buông xuống vào khoảng 10h tối. Một lần, khi đang trên tàu nghỉ, anh Thiện phát hiện một con cá voi lưng gù nhô lên khỏi mặt nước và vẫy đuôi trước khi lặn xuống trong ánh sáng hoàng hôn cuối ngày.

Ở Nam Cực, mọi sinh hoạt cá nhân du khách đều thực hiện trên tàu. Bản thân anh Thiện là người từng có kinh nghiệm nhiều năm theo những con tàu lênh đênh trên biển để lặn biển và ghi hình các vùng biển trên thế giới, nhưng trong chuyến đi này nhiếp ảnh gia cũng cần chuẩn bị thuốc chống say sóng. Bên cạnh đó, anh chuẩn bị quần áo giữ nhiệt nhiều lớp, sử dụng balo hoặc túi chống nước, đem theo nhiều pin dự phòng vì các thiết bị điện tử nhanh cạn pin trong môi trường âm độ và luôn tuân thủ các quy định, hướng dẫn an toàn của thủy thủ, hướng dẫn viên trong suốt hành trình thám hiểm.

Thám hiểm Nam Cực là một hành trình tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và có thể là tính mạng. Khi di chuyển qua những vùng biển khắc nghiệt nhất hành tinh, tàu tường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong địa cực lên đến 200 km/giờ và những cơn sóng ngoài khơi cao 5-7 m. Chén đĩa rơi vỡ liên tục trong phòng ăn, đồ đạc trong cabin văng khắp nơi và người trên tàu phải bám chắc vào thành tường để có thể tắm gội mà không bị văng ra khỏi phòng tắm, anh Thiện nói.

Bên cạnh đó, điểm đến trên hành trình cũng là nơi nguy hiểm bởi xa xôi, vắng bóng người. Khi các nhà thám hiểm phải di chuyển, leo núi, đi bộ đường dài trên những địa hình đồi núi băng tuyết trơn trượt hay tiếp xúc với động vật hoang dã, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, các chuyến đi Nam Cực thường bắt buộc người tham gia phải mua bảo hiểm y tế. Loại bảo hiểm bao gồm chăm sóc y tế khẩn cấp và bảo hiểm sơ tán khẩn cấp ở Nam Cực bằng trực thăng với hạn mức tối thiểu 100.000 - 200.000 USD (khoảng 2,5 - 5 tỷ đồng).

Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện


Đảo quốc nhỏ bé giao dịch bằng tiền đá khổng lồĐảo Yap thuộc Micronesia là nơi người dân vẫn dùng đồng tiền bằng đá nặng...
28/02/2024

Đảo quốc nhỏ bé giao dịch bằng tiền đá khổng lồ
Đảo Yap thuộc Micronesia là nơi người dân vẫn dùng đồng tiền bằng đá nặng tới 5 tấn để sử dụng trong một số giao dịch đặc biệt.

Yap, tiếng địa phương gọi là Wa'ab, thuộc Quần đảo Caroline ở Tây Thái Bình Dương, nổi tiếng với những đồng tiền bằng đá. Loại tiền này có tên "rai" (cá voi trong tiếng địa phương) vì hình dáng ban đầu của chúng giống con cá voi.

Một đồng rai điển hình có đường kính từ 7-360 cm, nặng tới 5 tấn, ở giữa được khoét một lỗ để cắm cây sào qua. Sau đó, những người đàn ông sẽ cùng nhau khiêng đồng tiền để vận chuyển tới nơi cần giao dịch. Những đồng rai được tìm thấy có niên đại tới 2.000 năm. Ban đầu, đồng rai có kích cỡ nhỏ nhưng dần trở nên to hơn nhờ sự phát triển của kỹ thuật, công cụ.

Giá trị của đồng rai được tính theo nhiều yếu tố như kích thước, cách đẽo gọt. Tuy nhiên, lịch sử của mỗi đồng tiền mới thực sự là yếu tố quyết định giá trị của nó. Đồng rai làm từ đá vôi - loại đá không có ở đảo Yap - và người dân phải vượt quãng đường dài, khó khăn, tới những hòn đảo xa xôi để tìm kiếm. Phần lớn đá vôi được người Yap khai thác trên đảo Palau, cách đó 400 km về phía tây nam.

Trong hành trình này, họ phải đối đầu với nhiều hiểm nguy từ thú dữ đến những dân tộc bản địa hiếu chiến. Vì vậy, giá trị của đồng xu còn được tính dựa trên sự khó khăn để làm nó, bao nhiêu người đã hy sinh.

Do kích thước của đồng rai lớn và nặng, việc truyền tay khi giao dịch gặp khó khăn. Vì thế, hình thức sở hữu phổ biến trên đảo là truyền miệng. Mỗi người đều tự ý thức đồng tiền thuộc về ai nên việc trộm cắp hầu như không xảy ra. Hiện có khoảng 6.500 loại tiền rai phân bổ rải rác trên khắp các đảo.

Đến thế kỷ 20, người đảo Yap đã sử dụng đôla Mỹ để thay thế cho đồng rai. Tuy nhiên, trong một số giao dịch đặc biệt như thỏa thuận chính trị, quà hồi môn, đồng rai vẫn được sử dụng.

Micronesia có tổng diện tích đất liền 702 km2, trong đó Guam là hòn đảo lớn nhất, nổi tiếng bởi bờ biển đẹp và là thiên đường mua sắm hàng miễn thuế. Các hòn đảo ở bang khác có nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút khách du lịch, dù hạ tầng cơ sở chưa phát triển.

Hoài Anh (Theo Unbelievable Facts)

Chúc cả nhà năm mới vui vẻ và nhiều may mắn.
10/02/2024

Chúc cả nhà năm mới vui vẻ và nhiều may mắn.

6 tuyến tàu hỏa dài nhất thế giớiDu lịch tàu hỏa vẫn được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, có những chuyến tàu vận ...
17/01/2024

6 tuyến tàu hỏa dài nhất thế giới
Du lịch tàu hỏa vẫn được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, có những chuyến tàu vận hành từ trăm năm trước đến nay vẫn hút khách.

Những chuyến tàu dài ngày đưa du khách qua nhiều vùng đất với cảnh quan và thời tiết đa dạng. Dưới đây là 6 tuyến tàu dài nhất thế giới, mỗi chuyến có hành trình không dưới 50 tiếng.

Chicago đến Khu vực vịnh San Francisco, Mỹ

Amtrak's California Zephyr là tuyến tàu dài 3.923 km, di chuyển trong 51 giờ xuyên Mỹ. Hành trình bắt đầu ở Chicago, bang Illinois và kết thúc ở San Francisco, bang California. Trang của Amtrak's California Zephyr mô tả đây là "một trong những chuyến tàu đẹp nhất" ở Bắc Mỹ.

Du khách trên chuyến tàu có thể ngắm nhìn nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng như dãy núi Rocky vùng Bắc Mỹ, hẻm núi Gore ở Colorado miền trung nước Mỹ. Những nơi này được ví như xứ sở thần tiên phủ đầy tuyết trong những tháng mùa đông.

Giá vé chuyến tàu thay đổi tùy theo tuyến đường đã chọn và ga khởi hành. Trẻ em dưới hai tuổi được miễn phí. Trẻ từ hai đến 12 tuổi được giảm giá 50% cho tất cả các dịch vụ trên tàu.

Dibrugarh đến Kanyakumari, Ấn Độ

Chuyến tàu này có tên Vivek Express, khởi hành từ Dibrugarh ở cực bắc Ấn Độ đến Kanyakumari ở cực nam Ấn Độ. Đây là tuyến đường sắt dài nhất Ấn Độ về cả khoảng cách và thời gian. Tổng chiều dài tuyến tàu này là 4.154 km, dừng tại 58 ga.

Theo tờ NewsBytes, du khách trên chuyến tàu này sẽ được tận mắt chứng kiến sự đa dạng về văn hóa, cảnh quan, ẩm thực và ngôn ngữ qua mỗi vùng ở Ấn Độ.

Sydney đến Perth, Australia

Chuyến tàu này do công ty Indian Pacific khai thác, khởi hành từ Perth đến Sydney với tổng quãng đường dài 4.352 km trong 70-75 tiếng. Du khách trên chuyến tàu này sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp những bờ biển trải dài từ phía đông đến phía tây Australia. Du khách có thể lựa chọn lên tàu ở Sydney hoặc Perth.

Ngoài cảnh biển, chuyến tàu cũng đi qua nhiều cảnh quan ở Australia như những dãy núi, sa mạc, mỏ vàng, thung lũng đá, thảo nguyên cận nhiệt đới. Chuyến tàu này cũng bao gồm đoạn đường sắt thẳng dài nhất thế giới - đường sắt xuyên Australia qua đồng bằng Nullarbor.

Toronto đến Vancouver, Canada

Hành trình này đưa du khách đi qua những thắng cảnh nổi tiếng ở Canada gồm dãy núi Rocky và cao nguyên Laurentian. Nếu may mắn du khách có thể bắt gặp những loài động vật hoang dã như nai, gấu khi tàu đi qua cao nguyên Laurentian. Chuyến tàu này có độ dài khoảng 4.460 km, di chuyển trong 4 ngày, tần suất hoạt động hai lần một tuần. Có ba hạng ghế cho hành khách lựa chọn là hạng phổ thông, hạng cao cấp (sleeper plus) và hạng thương gia (prestige).

Moscow tới Vladivostok, Nga

Đây là tuyến đường sắt 100 năm tuổi xuyên vùng Siberia, dài 9.289 km, di chuyển trong 7 ngày 7 đêm. Chuyến đường sắt đi qua tám múi giờ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự thay đổi liên tục về cảnh quan, thời tiết.

Tuyến tàu này cũng có hai chặng khác là xuyên Mông Cổ và xuyên Mãn Châu (Trung Quốc). Hệ thống đường sắt đang được mở rộng để kết nối với Triều Tiên và cả Tokyo, Nhật Bản.

Bích Phương (Theo NewsBytes)

Khách Việt 'chết lặng' trước Thung lũng ChếtLần đầu đến địa danh nổi tiếng ở Mỹ, du khách Việt "chết lặng" trước cảnh qu...
16/01/2024

Khách Việt 'chết lặng' trước Thung lũng Chết
Lần đầu đến địa danh nổi tiếng ở Mỹ, du khách Việt "chết lặng" trước cảnh quan hùng vĩ trước mắt.

Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung, sống tại TP HCM, thăm Thung lũng Chết (Death Valley), nằm giữa hai bang California và Nevada, tháng 12 năm ngoái. Chuyến tham quan kéo dài khoảng 3 giờ, đi qua một số điểm đến chính của Thung lũng Chết.

Đây là vườn quốc gia lớn nhất trong số 48 bang vùng hạ, khô cằn nhất của nước Mỹ. Ngoài ra, khu vực này cũng đạt kỷ lục thế giới về nhiệt độ không khí nóng nhất từng được ghi nhận (56,7 độ C) ở Mỹ vào ngày 10/7/1913.

Trong hình là cồn cát phẳng Mesquite - cồn cát nổi tiếng bậc nhất ở thung lũng này. Điều khiến cồn cát phẳng Mesquite đặc biệt là màn trình diễn "đổ bóng" của mặt trời vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh. Du khách có thể nhìn thấy những bóng đen dài uốn lượn khắp khu vực rộng lớn. Bên cạnh đó, du khách tới đây cũng được trải nghiệm trượt cát.

Những mảng màu đỏ trên đá được nhiếp ảnh gia Việt chụp lại khi du ngoạn trên cung đường Artist's Drive (Cung đường của nghệ sĩ) dài khoảng 14 km trong Thung lũng Chết.

Sau khoảng 8 km chạy xe, khu vực Artist's Palette (Bảng màu nghệ sĩ) sẽ dần hiện ra trước mắt với những mảng màu kỳ lạ trên núi đá. Đây là kết quả của quá trình oxy hóa kim loại và một số nguyên tố khác, tạo thành đủ thứ màu từ tím, xanh lam, đỏ hay xanh lục.

Những núi đá có màu xanh do khoáng chất và hiệu ứng ánh sáng.

Khung cảnh hoa dại phủ vàng một góc thung lũng với hậu cảnh là những rặng núi hùng vĩ. Theo anh Trung, tháng 12 không phải thời điểm đẹp nhất để tới Thung lũng Chết nhưng bù lại thời tiết dễ chịu, không khắc nghiệt như mùa hè.

"Cảnh sắc cuốn hút và ngoạn mục, tôi chết lặng vì choáng ngợp trước thiên nhiên nơi đây", anh nói.

Badwater Basin, một bãi muối rộng lớn dưới đáy thung lũng, cũng là điểm hút khách tham quan. Ở độ sâu 86 m dưới mực nước biển, Badwater Basin là điểm thấp nhất Bắc Mỹ.

Ánh nắng bao trùm làm nổi bật những đường nét trên các khối đá trong thung lũng.

Khung cảnh mờ ảo được nhiếp ảnh gia chụp lại khi những rặng núi ẩn hiện sau đụn cát.

Đứng trên đỉnh Zabriskie, du khách Việt ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh thung lũng với những hẻm núi, vách đá, nếp gấp uốn lượn được nhuộm trong sắc vàng, đỏ, nâu cùng hoàng hôn màu hồng.

Những khối đá nhiều màu sắc là đặc trưng của thung lũng này.

Nhiếp ảnh gia Việt cho biết đây là lần đầu tới Thung lũng Chết nên chưa tìm hiểu nhiều về các góc chụp đẹp. Anh mong có thể quay lại lần nữa để có những bức ảnh tốt hơn.

Tú Nguyễn

Ảnh: Phạm Huy Trung


Cây bị 'bắt giữ' hơn một thế kỷPakistan"Cây xích" ở Peshawar bị "bắt giữ" từ năm 1899 đến nay, khi một sĩ quan người Anh...
15/01/2024

Cây bị 'bắt giữ' hơn một thế kỷ
Pakistan"Cây xích" ở Peshawar bị "bắt giữ" từ năm 1899 đến nay, khi một sĩ quan người Anh quyết định dạy cho nó một bài học vì đã "tránh" anh ta.

125 năm trước, sĩ quan người Anh James Squid trong lúc say rượu đã thực hiện một trong những vụ bắt giữ kỳ lạ nhất lịch sử ở Landi Kotal, thị trấn gần biên giới Torkhan. Cho rằng cái cây đang tránh xa khi anh ta cố gắng tiếp cận, Squid ra lệnh xích nó xuống đất và quản thúc. Những sợi dây xích vẫn được giữ nguyên kể từ đó.

Trên cây đặt một tấm bảng kể lại vụ bắt giữ cho du khách: "Tôi đang bị bắt giữ. Một buổi tối, một sĩ quan người Anh say khướt, tưởng rằng tôi đang di chuyển khỏi địa điểm ban đầu và ra lệnh cho trung sĩ Mess bắt giữ tôi. Kể từ đó tôi bị bắt giữ".

Tọa lạc ở khu vực đóng quân Khyber Rifles Officers Mess tại Landi Kotal Way, cây xích (Chained Tree) nhận được nhiều sự chú ý từ khách du lịch vì câu chuyện hài hước. Tuy nhiên, người dân địa phương coi cây là biểu tượng cho sự áp bức của chế độ cai trị nước Anh với họ.

"Thông qua hành động này, người Anh muốn cảnh báo với những người dân rằng nếu các bộ lạc dám hành động chống lại, họ cũng sẽ bị trừng phạt tương tự", một người địa phương cho biết.

Mặc dù quá khứ gây tranh cãi, cây bị xích là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch đến khu vực này.

Quỳnh Mai (Theo Oddity Central)


Chúc cả nhà năm mới vui vẻ - may mắn - thành công.
31/12/2023

Chúc cả nhà năm mới vui vẻ - may mắn - thành công.

Những bí ẩn ở hồ Loch NessQuái vật hồ Loch Ness là một trong những bí ẩn giúp hồ Loch Ness trở thành huyền thoại thu hút...
22/11/2023

Những bí ẩn ở hồ Loch Ness
Quái vật hồ Loch Ness là một trong những bí ẩn giúp hồ Loch Ness trở thành huyền thoại thu hút khách hàng trăm năm nay tại Scotland.

Dưới đây là những bí ẩn về hồ nổi tiếng ở Scotland, nơi gắn liền với huyền thoại "quái vật hồ Loch Ness" hơn 100 năm qua, được CNN tổng hợp và liệt kê.

Bí mật dưới lòng hồ

Dưới lòng hồ có gì là bí mật lớn nhất mà Loch Ness chứa đựng. Alistair Matheson, người dẫn khách tham gia các chuyến du ngoạn trên hồ được trang bị sóng siêu âm, cho biết có rất nhiều người tin rằng có quái vật dưới lòng hồ. Matheson cũng tin hồ chứa bí ẩn.

Hồ Loch Ness có nhiệt độ nước trung bình quanh năm 4-5 độ C, dài 37 km, sâu khoảng 230 m, đủ sâu để "nhấn chìm lâu đài Endinburgh" hai lần, theo CNN. Bùn từ các con sông và suối xung quanh trôi vào khiến nước có màu nâu đậm như nước trà. Dưới lòng hồ du khách khó có thể nhìn rõ một tàu ngầm dài 120 m ở khoảng cách nửa mét.

"Khung cảnh dưới mặt nước giống như một thế giới đã mất", Alan McKenna, người sáng lập Loch Ness Exploration, tổ chức nghiên cứu và tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness, cho biết. McKenna nói nhiều người "đã nhìn thấy những thứ không thể giải thích được". Theo anh, những hình ảnh đó có thể là quái vật và cũng có thể là do hiện tượng tự nhiên gây nên.

Người đầu tiên chụp được "quái vật hồ Loch Ness"

Huyền thoại về quái vật hồ Loch Ness có từ lâu nhưng phải đến ngày 12/11/1933, Hugh Gray, công nhân của nhà máy gần đó mới chụp được bức ảnh đầu tiên về "quái vật" hồ Loch Ness.

Đầu năm đó, vào tháng 4/1933, quản lý khách sạn gần đó Aldie McKay đã tạo ra một "cơn sốt toàn cầu" khi thông báo về việc nhìn thấy một con quái vật khổng lồ gần bờ hồ.

Những thông tin trên thu hút lượng lớn du khách đổ xô đến hồ tìm kiếm trong thế kỷ qua. Khách sạn của McKay nằm tại làng Drumnadrochit gần đó trở nên nổi tiếng và hưởng lợi rất nhiều. Ngày nay khách sạn trở thành Loch Ness Center, trung tâm Loch Ness, được định giá 1,8 triệu USD, là nơi chuyên cung cấp các tour liên quan đến con quái vật bí ẩn.

Tháng 8/2022, một cuộc săn quái vật đã được tổ chức và trở thành cuộc săn lùng lớn nhất trong 50 năm trở lại. Giống như mọi lần, cuộc tìm kiếm không đưa được ra các chứng cứ thuyết phục về việc chụp được hình ảnh quái vật trong hồ.

Bí ẩn quanh hồ

Ngay cả khi đến thăm hồ vào một buổi chiều đầu tuần ảm đạm, bầu trời xám xịt, Loch Ness vẫn thu hút du khách nhiều hơn những gì họ mong đợi. Dù không thấy quái vật, du khách vẫn bị thu hút bởi những câu chuyện kỳ lạ xung quanh.

Một trong số đó là chuyện về tu sĩ Ireland Saint Columba từng trục xuất một con rắn biển ra khỏi sông Ness vào thế kỷ 6 cho đến những hành động kỳ lạ của nhà huyền bí người Anh Aleister Crowley tại dinh thự mang tên Boleskine ở phía đông nam hồ.

Ngôi nhà bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 2015, đang được tân trang lại, thi thoảng mở cửa để khách tham quan. Quản lý ngôi nhà hiện nay là tổ chức từ thiện The Boleskine House Foundation, có chức năng khôi phục và bảo tồn ngôi nhà cùng khu đất xung quanh.

Dù vậy, không có huyền thoại nào về hồ vượt qua được hình ảnh con quái vật trong trí tưởng tượng của công chúng.

Những người gắn cuộc đời cùng quái vật

Nhà tự nhiên học Adrian Shine, người sáng lập nhóm nghiên cứu Dự án Loch Ness từ năm 1973, đã dành thời gian khám phá hồ 50 năm nay. Shine là nguồn cảm hứng và cố vấn cho nhiều thế hệ sau đam mê nghiên cứu hồ sau này, gồm Alan McKenna. Mỗi tháng, McKenna đều đặn đi 3 tiếng từ Edinburgh đến hồ để bắt đầu một cuộc săn tìm quái vật. Một người khác là Steve Feltham, sống cạnh hồ từ năm 1991.

Du khách khi đến đây đều có thể gặp được họ và cộng đồng những người hâm mộ hồ Loch Ness. Chân dung của họ là những người yêu môi trường, đam mê khám phá khoa học và bí ẩn của cuộc sống.

Ảo ảnh nước

Loch Ness không bị đóng băng vào mùa đông vì phía bên dưới là dòng nước ấm. Những lớp nước dịch chuyển ở các nhiệt độ khác nhau tạo ra các đợt sóng khổng lồ dưới nước và dòng chảy lớn trên bề mặt cuốn theo các khúc gỗ, mảnh vụn khiến nhiều người bị nhầm là đang nhìn thấy đuôi hoặc cổ của một sinh vật lớn.

Thi thoảng hồ có những vòi nước, cột sương mù và không khí xoáy tròn dù nước lặng. Từ xa nhìn lại khung cảnh giống như chiếc cổ dài của con quái thú đang quằn quại. McKenna lẫn Shine đều tin rằng phần lớn hình ảnh về quái vật hồ Loch Ness là ảo ảnh nước tạo ra.

Shine từng giải thích trong video rằng khi các tàu mang trọng tải lớn đi qua hồ dài, sâu và hẹp như Loch Ness có thể tạo ra những gợn sóng lớn giống vết lồi lõm của đốt sống lưng khủng long, đặc biệt khi quan sát từ một góc thấp như đứng ở bờ biển.

Ý tưởng về một sinh vật giống khủng long sống trong hồ bị bác bỏ nhiều năm trước. Một nghiên cứu cho thấy không có DNA của loài bò sát trong nước. Và nước cũng quá lạnh để một sinh vật như vậy có thể tồn tại.

Hồ cũng thông với biển và nhiều con sông. Vì vậy các giả thuyết giải thích cho hình ảnh nghi là quái vật có thể là do hải cẩu hoặc cá voi bơi qua.

Sự tồn tại của con quái vật chưa bao giờ được chứng minh, nhưng nó cũng không thể bị bác bỏ. Và chính niềm tin này đã giúp các tín đồ tiếp tục cố gắng tìm kiếm.

Anh Minh (Theo CNN)

Address

188/3 Phan Văn Trị, Phường 11, Quận Bình Thạnh
Ho Chi Minh City
700000

Telephone

+84909195856

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Thế Giới Của Những Điều Kỳ Thú Lạ Kỳ posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share


Other Performance & Event Venues in Ho Chi Minh City

Show All

You may also like