16/08/2022
Phóng sanh làm phước hay tạo nghiệp?
Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi chim ăn gì trong môi trường thiên nhiên? Đương nhiên là ăn côn trùng, sâu bọ và những hạt cỏ dại.
Hệ sinh thái của thiên nhiên xưa nay vốn có sự cân bằng. Cái gì cũng vừa đủ, không bao giờ hơn và cũng chẳng thể nào thiếu. Bởi lẽ, thiếu một cái gì đấy sẽ làm triệt đường sống dẫn đến cái chết, hay nói một cách khác hơn là sự tuyệt chủng cho những thứ đang cần đến cái bị thiếu đấy. Như thú nhai lại cần cỏ mà cỏ thì cần đất mà đất thì cần mưa vậy. Tất cả đều được móc xích lại với nhau.
Nếu nói về cả nước thì hàng triệu con chim đã, đang và sẽ tiếp tục nằm trong quy trình bị bắt để cho những kẻ vô tâm khờ dại và mê tín nghe theo lời của các ma sư ở những ngôi chùa không bao giờ có ánh quang của Phật xúi quẩy.
Sự vắng mặt của loài chim khiến sâu bọ và cỏ dại tăng trưởng. Hệ sinh thái bị mất cân bằng. Thả chim ra tưởng là phóng sanh để được phước nhưng trên thực tế là hoàn toàn gây nghiệp. Gây nghiệp cho đời, cho người và ngay cả cho mình.
Trong thời gian chim bị bắt giam giữ để chờ được phóng sanh thì vô số chim con bị chết tức tưởi, chết ngay trong tổ khi không có cha mẹ chúng mớm mồi. Chim cha chim mẹ bị bắt khi được phóng sanh chúng phải tìm mọi cách lẫn trốn vào nơi xa xăm hơn để không bị bọn lưu linh săn chim kiếm tiền bằng cái nghề phóng sanh của chúng bắt mình trở lại và như vậy đàn chim sẽ bị chết đói tập thể. Vòng tròn tử thần bắt và thả, thả rồi bắt này cứ tiếp tục lập đi lập lại khiến chúng phải tự mày mò tìm đường lánh xa môi trường chúng ở trước đây và tiến sâu hơn vào rừng rậm. Hệ sinh thái không được luật pháp bảo vệ đứng đắn và triệt để đã bị mấy con nhang phật tử thiếu suy nghĩ và những ma sư gian ác tiêu diệt dần mòn đến mục ruỗng.
Thành phố vắng bóng loài chim sẻ. Bồ câu rủ nhau trốn sang những đất nước tôn trọng chúng còn gọi chúng là đại sứ hoà bình.
Phóng sanh cá hay các động vật sống dưới nước cũng vậy. Tuy đỡ hơn loài có cánh đôi chút nhưng cũng gây hệ luỵ không kém. Mỗi khi chúng được phóng sanh là biết bao nhiêu con dã thú mặt người chờ sẵn để dí điện hay vây bắt trở lại. Mà dí điện thì cái trứng cá nhỏ bé yếu ớt chịu gì nổi chứ?
Có lần tôi nghe kể, vì sợ cá sấu nuôi trong bể tù trước sau gì cũng bị rạch bụng để lấy da, có người phóng sanh chúng ra ngoài sông ngòi, đập và mương rạch. Ôi, phóng sanh con thú làm chết con người.
Hành động phóng sanh hoàn toàn thuộc về "duyên không cần phước". Ví dụ như ta đi phượt thấy một con thú bị kẹp bẫy. Ta đến tháo bẫy cho nó mà không sợ nó đau quá và có thể cắn mình. Đấy gọi là phóng sanh đúng nghĩa không cần phước.
Mua từ chỗ chuyên gia bẫy chim cho phóng sanh hàng chục, hàng trăm con chim bị nhốt như cá mòi trong mỗi cái rọ giữa hàng trăm cái rọ sắt khác để giữa trời nóng, nắng là mình đang nuôi dưỡng tội ác của những kẻ ác đặt bẫy bắt chim cho mình thả. Phước phải tuỳ duyên, duyên phải tuỳ phước. Không thể là nghi thức thể hiện lòng nhân ái được.
Đấy là sát sanh không phải phóng sanh.
Nhưng theo cái đà thờ Chúa Phật nhưng không nghe theo Chúa Phật mà chỉ nghe theo đạo giáo thì tốt nhất nên dẹp hình thức phóng sanh.
Tại sao không phóng tâm thay cho phóng sanh? Hãy nuôi dưỡng cái tâm trong lòng bằng hạt mầm tử tế, lương thiện và bác ái rồi phóng sanh cái tâm ấy bằng hành động giúp người đang bị cơ nhỡ, nghèo khó, khổ cực chết không có hòm nằm và đất chôn. Chết thua con giun trong lòng đất? Giúp rồi ư? Thì giúp thêm nữa. Có bao giờ thừa đâu mà.
Ngoài ra, xin hãy gởi kiến nghị đến các vị Đại biểu Quốc hội, ngài Chủ tịch nước hay ngài Thủ tướng hay các nhà làm luật yêu cầu các vị ấy ban hành luật cấm đánh bắt cá, chim cho việc phóng sanh và cấm luôn cả việc phóng sanh gàn dở gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường và hệ sinh thái này.
Phóng tâm đi. Đừng phóng sanh nữa. Kỳ cục, vô thức và tạo nghiệp lắm.
Thể hiện nhân ái gì mà tàn phá và ác ôn quá vậy?
Tịnh Như Không