07/11/2019
VĂN MINH TIỀN SỬ VÀ CỔ ĐẠI TÂY NGUYÊN
Tây Nguyên ngàn xưa bao la không gian, thăm thẳm thời gian với bao điều bí ẩn. Một thời gian dài, hiểu biết của chúng ta về mảnh đất này vẫn còn ít ỏi và lịch sử - văn hóa Tây Nguyên biết bao điều cần khám phá. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, một số phát hiện khảo cổ học tiêu biểu đã đem đến cho chúng ta nhận thức mới về Tây Nguyên hùng vĩ.
Từ năm 2000 trở lại đây, nhiều di chỉ khảo cổ học được phát hiện ở Tây Nguyên, tiêu biểu là di chỉ Lung Leng (Sa Bình, Sa Thầy, Kon Tum). Tại đây năm 2006, một đại công trường khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XXI đã phát hiện vô số hiện vật từ thời đại đồ đá đến sơ kỳ thời đại kim khí gồm bếp lửa, mộ táng, đồ gốm, lò nung gốm, rìu, hòn mài, chày, mũi nhọn, khuyên tai, vòng tay, hạt chuỗi bằng đá, khuôn đúc đồng, lò luyện kim, rìu đồng, đồ sắt…
Mộ chum phát hiện tại di chỉ Lung Leng (Kon Tum). Ảnh tư liệu
Những hiện vật phát hiện được tại di chỉ này cho thấy cư dân tiền sử Tây Nguyên không chỉ đạt trình độ cao về kỹ thuật mài, chế tác công cụ đồ đá, mà còn rất giỏi kỹ nghệ luyện kim và chế tác gốm. Đặc biệt, khuôn đúc đồng và các hiện vật đồ đồng, đồ sắt chứng tỏ nghề khai quặng và luyện kim rất phát triển của người Tây Nguyên đã xuất hiện từ những năm đầu Công nguyên. Di chỉ Lung Leng làm chấn động giới khoa học và làm đảo lộn lý thuyết về Tây Nguyên.
Những chứng cứ vật chất từ di chỉ này chứng minh quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, vùng đất này đã sớm nảy sinh nền kinh tế nông nghiệp, chế tác công cụ và là một trong những trung tâm luyện kim và manh nha hình thành quốc gia cổ đại sớm nhất khu vực Đông Nam Á!
Thời tiền sử, người Tây Nguyên đã biết đến âm nhạc và chế tác nhạc cụ bằng đá, một loại nhạc cụ được xem là độc đáo và cổ nhất trên thế giới. Nhiều bộ đàn đá đã được phát hiện ở Tây Nguyên, tiêu biểu là bộ đàn đá bảy thanh được phát hiện năm 1993 dưới lòng suối Đắk Kar, ở huyện Tuy Đức - Đắk Nông. Bộ đàn đá này có niên đại cách ngày nay 3000 năm, được cư dân tiền sử chế tác từ những thanh đá tự nhiên có âm thanh đặc biệt.
Thật thú vị là, người M'nông ở Đắk Nông bây giờ vẫn diễn tấu bộ đàn đá cổ xưa của tổ tiên họ giống như cách diễn tấu cồng chiêng bằng đồng ngày nay. Điều kỳ diệu là thang âm của đàn đá xưa hoàn toàn tương ứng với thang âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên ngày nay. Được biết, bộ đàn đá đầu tiên do nhà dân tộc học người Pháp Comđôminat phát hiện ở Tây Nguyên hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Con Người ở Paris, thủ đô nước Pháp.
Cùng với đàn đá, hàng chục trống đồng, một loại nhạc khí đặc biệt và linh thiêng được phát hiện khá nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên. Riêng tại Đắk Nông, một chiếc trống đồng còn nguyên vẹn mặt trống được phát hiện ở huyện Krông Nô. Thông qua kiểu dáng, hoa văn, người ta dễ dàng nhận ra những chiếc trống đồng phát hiện ở Đắk Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên thuộc loại trống đồng của người Việt cổ ở miền núi trung du phía Bắc, có niên đại cách ngày nay 2000 năm.
Thật kỳ diệu, từ thời tiền sử, tiếng trống đồng của người Việt cổ đã âm vang trên đất Tây Nguyên và nó được người Tây Nguyên đón nhận như một báu vật linh thiêng. Dù trống đồng đến Tây Nguyên bằng con đường nào, thì nó cũng chứng tỏ mối quan hệ, giao thoa văn hóa giữa người Việt cổ và cư dân Tây Nguyên đã xuất hiện từ rất xa xưa.
Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV từng diễn ra quá trình cộng cư của người Chăm trên đất Tây Nguyên và nó đã để lại nhiều di tích ở các địa phương. Qua mưa nắng và thời gian hầu hết các di tích Chăm ở Tây Nguyên nay đã thành phế tích.
Cả Tây Nguyên duy nhất chỉ có một tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, được công nhận là Di tích quốc gia tại xã Ea Rook, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Tháp Yang Prong – nghĩa là Thần lớn có hình tháp bút uy nghi in bóng bên dòng sông Ea H'leo do vua Chăm Chế Bồng Nga xây dựng từ cuối thế kỷ XIII.
Tháp được xây bằng gạch, đáy hình vuông, có một cửa ra vào duy nhất mở về hướng đông; 3 mặt tường còn lại, mỗi mặt có 3 cửa giả; chóp tháp được tạo thành bởi những lớp gạch xếp chồng khít lên nhau; phía giữa mở rộng và phần đỉnh thon. Nền tháp được làm bằng những phiến đá mài nhẵn và xung quanh tháp rải rác có những khối đá xanh với các kích cỡ khác nhau.
Tháp Yang Prong chính là một trung tâm sinh hoạt tôn giáo và cũng là khu vực định cư sinh sống của một bộ phận người Chăm vùng duyên hải Nam Trung bộ trên đất Tây Nguyên từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV.
Trong khu rừng Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, các nhà khảo cổ đã phát hiện một quần thể di tích bao gồm các khu đền đài chìm trong lòng đất nằm trải dài khoảng 15 km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật 20 ngôi đền tháp, đền mộ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện với nhau trong kiểu dáng, vươn trong không gian một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ.
Toàn bộ kiến trúc các ngôi đền được xây dựng theo chuẩn tắc Bàlamôn giáo: Bình đồ hình vuông, giật cấp nhiều lần, cửa tháp, thanh đá ốp cửa, trụ bệ, mi cửa với những ngẫu tượng Linga, Yony, tượng Ganêsa được xem là lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, 265 bức phù điêu bằng vàng như mê cung của các thần linh - một tôn giáo thần bí với những nhân vật linh thiêng của xứ sở "thầy tu và vũ nữ".
Di tích Cát Tiên, với các yếu tố Chămpa, Óc Eo, pha lẫn văn minh Ba Tư, Kusana, Bàlamôn giáo, Hindu giáo và cả Phật giáo, phản ánh đời sống tinh thần, tôn giáo của một cộng đồng người xưa. Thánh địa Cát Tiên có thể là trung tâm chính trị, tôn giáo của một quốc gia cổ đại đã từng xuất hiện ở Tây Nguyên từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIV. Di tích này đang được nhà nước ta đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại.
Những chứng cứ vật chất trên đất Tây Nguyên là tài liệu sống về lịch sử văn hóa - văn minh tiền sử và cổ đại Tây Nguyên. Nó cũng chứng tỏ rằng những chủ nhân của nền văn minh ấy đã tồn tại từ thời đại đồ đá đến tận ngày nay. Những di sản văn hóa vật thể từ ngàn xưa của cha ông còn góp phần khẳng định Tây Nguyên là một phần thiêng liêng trong lòng Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Hiểu sâu sắc về quá khứ sẽ cho chúng ta cái nhìn thực tế hơn trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Tây Nguyên ngày nay - một vùng đất chiến lược đầy tiềm năng của Tổ quốc.
Vũ Hà (Nguồn: Báo Dăk Nông)
Lịch sử Tây Nguyên Phần 1
https://www.facebook.com/150099429019716/posts/354013358628321?sfns=mo
Lịch sử Tây Nguyên Phần 2
https://www.facebook.com/150099429019716/posts/353962075300116?sfns=mo
Lịch sử Tây Nguyên Phần 3
https://www.facebook.com/150099429019716/posts/353962681966722?sfns=mo