26/07/2017
Tổ chức đám cưới thường gặp những khó khăn nào
Đám cưới là sự kiện trọng đại, là ngày vui của cô dâu chú rể. Nhưng đa số các cặp đôi đề sẽ gặp đôi chút khó khăn về một số vấn đề trong việc tổ chức đám cưới. Vậy những khó khăn đó là gì. Cùng điểm qua nhé.
1.Ngân sách: Ngân sách cho đám cưới là bao nhiêu? ai sẽ chi trả chi phí cho đám cưới? Chi tiêu như thế nào cho đúng?
Việc lên kế hoạch ngân sách cho đám cưới luôn là công việc khó khăn đối với các cặp đôi, việc dự trù chi phí đám cưới luôn là câu hỏi làm đau đầu các đôi uyên ương.
Lời khuyên: Việc phân chia ngân sách, ai chi tiền cho những khoản gì là điều uyên ương nên bàn bạc trước tiên. Nếu gia đình hỗ trợ về tài chính, cặp đôi cần thống nhất với cả cha mẹ hai bên, tránh những các bậc phụ huynh hiểu lầm hay phật lòng.
Không chỉ tính ước lượng, cặp đôi cần một bản kế hoạch chi tiết về các khoản mua sắm, chi trả cho đám cưới, cố gắng hạn chế những chi phí không cần thiết và thực hiện mọi thứ trong khả năng của cả hai. Hãy cân nhắc thu chi tài chính của bạn, đảm bảo việc chi tiêu không dẫn đến lạm phát nhé. Cô dâu chú rể nên chi tiêu khoảng 80% ngân sách mình có. Với 20% ngân sách còn lại, bạn nên để dành, phòng khi gặp phát sinh hoặc dành dụm cho cuộc sống sau này. Đám cưới là ngày vui chung, vì vậy cả cô dâu và chú rể đều phải có trách nhiệm lo lắng, chi trả cho hôn lễ, không thể dành trọn trách nhiệm chi tiền cho riêng ai.
2. Khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm tổ chức đám cưới
Có gia đình chỉ muốn tổ chức tiệc tại nhà, mượn sân nhà hàng xóm hay thuê nhà văn hóa chung để dựng rạp, nhằm tiết kiệm. Nhưng nhà thông gia lại muốn cưới ở khách sạn cho tươm tất. Hay ngay cả cô dâu chú rể cũng mâu thuẫn trong vấn đề này.
Lời khuyên: Nếu là bất đồng giữa hai gia đình, cô dâu chú rể nên cùng phân tích cho cha mẹ hai bên hiểu rõ tác dụng của việc đãi tiệc chung, đơn giản. Nếu không thống nhất được, cách cuối cùng là để hai nhà đãi tiệc riêng. Để giải quyết quan điểm khác nhau giữa cô dâu chú rể, cặp đôi cần nói chuyện thẳng thắn, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng phong cách cưới, từ đó tìm ra cách tổ chức hôn lễ hợp ý cả hai nhưng phù hợp với kinh tế.
3. Lựa chọn khách mời.
Vấn đề nay luôn gây khó khăn cho các cặp đôi, tính toán số lượng và lập danh sách khách mời là vấn đề làm đau đầu hầu hết cô dâu chú rể và người thân. Mời ai bỏ ai? Mời bao nhiêu khách là được?
Lời khuyên: Cô dâu chú rể cần bàn bạc về số lượng, đối tượng khách mời của mình. Nên căn cứ vào địa điểm và gia hạn một con số nhất định về số lượng khách mời. Việc thống nhất, thuyết phục gia đình hai bên về danh sách khách mời của cha mẹ, anh chị em trong nhà… là điều cần thiết. Cần đảm bảo sự cân đối về số lượng, mức độ ưu tiên của các đối tượng trong danh sách này, để tránh những rắc rối không hay về sau.
4. Thuê người làm tóc, trang điểm, chụp ảnh.
Vấn đề này tưởng chừng rất đơn giản, nhưng nếu không được chuẩn bị chu đáo thì nó sẽ trở thành nguyên nhân của những rắc rối.
Lời khuyên: Hãy chọn cho mình một ekip chuyên nghiệp mà bạn quen biết hoặc phù hợp với phong cách của bạn. Cẩn thận hơn, bạn nên trang điểm thử trước khi cưới để chắc chắn rằng mình sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất.
Việc lựa chọn nhiếp ảnh gia cũng quan trọng không kém để có một album ảnh cưới ưng ý. tìm kiếm một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm, năng lực cũng như trang bị đầy đủ các thiết bị, các cặp đôi nên chọn lựa một người thật sự biết lắng nghe và thấu hiểu những mong muốn của bạn trong ngày trọng đại. Hãy cùng nhau trò chuyện, trao đổi thật thẳng thắn trước khi ký hợp đồng, nếu họ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái và tin tưởng cùng thái độ làm việc chuyên nghiệp, đó chính là nhiếp ảnh gia bạn cần.
5. Váy cưới
Bất kỳ cô dâu nào cũng mong muốn trở nên xinh đẹp, nổi bật trong ngày cưới, chính vì vậy việc lựa chọn trang phục cưới trở nên hết sức quan trọng. Làm sao để chọn được bộ trang phục đẹp, lỗng lẫy, thoải mái lại không cần quá cầu kỳ.. luôn khiến các cô dâu trở nên đau đầu. Nhiều cô dâu luôn tỏ ra lúng túng trước việc lựa chọn trang phục cưới.
Lời khuyên: Khi chọn áo cưới, cần biết mỗi kiểu thiết kế sẽ phù hợp với từng dáng người khác nhau, cũng như màu sắc áo cưới còn tùy thuộc vào màu da của bạn. Một điều cần ghi nhớ nữa là màu sắc trang phục của cả hai phải đồng điệu với nhau cũng như phù hợp với không gian tiệc cưới. Do thời gian chuẩn bị đám cưới có rất nhiều công việc cần lo vì thế vóc dáng cô dâu chú rể có thể thay đổi từng ngày vì vậy mà cặp đôi nên tránh tình trạng đi thử váy áo quá sớm.
6. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ
Vấn đề này tuy đơn giản nhưng lại không dễ như vậy bởi vì có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ mỗi người nói mỗi kiểu và bạn không biết nên nghe theo ai. Bạn bắt đầu hoang mang giữa một rừng nhà cung cấp dịch vụ mà bạn chưa hề sử dụng qua.
Lời khuyên: Bạn nên tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm đi trước, các bài viết trên internet, bạn bè giới thiệu. Sau đó đến tận nơi các nhà cung cấp để xem và trao đổi như vậy bạn sẽ biết rõ hơn về nhà cung cấp đó. Trong quá trình tìm hiểu dịch vụ, bạn nên đến trực tiếp tận nơi để hiểu rõ hơn về nhà cung cấp.
7. Lựa chọn thực đơn
Nên chọn thực đơn như thế nào để phù hợp với tất cả khách mời? có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách ăn kiêng, khách ăn chay, khách mắc bệnh tiểu đường, khách dị ứng với món nào đó hoặc khách không thích món lạ? Việc chọn thực đơn cưới không hề đơn giản, thậm chí có thể gây ra mâu thuẫn với người nhà, và với cả chú rể.
Lời khuyên: Bạn không thể biết trước mọi nhu cầu ẩm thực của từng khách dự tiệc cưới. Thực ra, hầu hết những người có nhu cầu riêng về thức ăn không trông mong được tiếp đãi đặc biệt khi họ tham dự tiệc cưới như một khách VIP đâu. Cô dâu chú rể và gia đình nên cố gắng chọn càng nhiều món ăn khác kiểu chế biến càng tốt. Như vậy thực đơn của bạn sẽ phong phú, không gây nhàm chán cho khách mời. Không nên chọn quá ít món, khiến khách mời cảm thấy thực đơn "nghèo nàn" và không đủ hứng thú để thưởng thức.
8. Khó khăn vì khác nhau về phong tục cưới
Ở Việt Nam, phong tục cưới tại mỗi vùng miền có đặc trưng riêng. Mỗi cô dâu chú rể lại muốn thành hôn theo phong tục ở quê hương mình, Đặc biệt với các vị phụ huynh, mỗi phong tục cưới đều quan trọng, không thể bỏ qua, nên việc bất đồng về các nghi lễ có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa hai gia đình và khiến cô dâu chú rể khó xử.
Lời khuyên: Việc trước tiên để giải quyết vấn đề này là cô dâu chú rể phải bình tĩnh, chuyện trò cởi mở và có tâm lý học hỏi, tiếp thu các phong tục tại quê hương người bạn đời tương lai, từ đó thống nhất những điều cần giữ, những việc có thể giản tiện đi. Nếu cha mẹ hai bên xảy ra điều không vừa ý, đôi uyên ương nên là cầu nối giữ gìn hòa khí giữa hai nhà. Thông thường, khi ăn hỏi, các phong tục cưới nên theo nguyện vọng của gia đình cô dâu vì nghi lễ sẽ thực hiện tại nhà gái, còn khi đón dâu về nhà trai, gia đình chú rể có thể đưa ra những phong tục cổ truyền của quê hương mình, để nhà gái cân nhắc tiếp nhận.
9. Tranh cãi khi bàn bạc
Bất đồng có thể xuất hiện ở gia đình cô dâu, gia đình chú rể hoặc cả hai nhưng nó sẽ làm phiền tới uyên ương và đám cưới. Sự tranh cãi có khi cũng cảy ra giữ cô dâu và chú rể khi bất đồng quan điểm trong việc chuẩn bị
Lời khuyên: Bạn hãy thuyết phục cha mẹ bằng sự nhẹ nhàng, nên biến những việc nhỏ thành không có. Những bất đồng lớn sẽ khó giải quyết nhưng bạn nên nhớ đối mặt bằng thái độ kiên nhẫn, bình tĩnh. Đám cưới là ngày đặc biệt, không ai muốn sau này nhớ lại chỉ nghĩ tới những căng thẳng hay cãi vã.
Lời kết:
Dù chuẩn bị cưới trong thời gian dài hay ngắn, cô dâu chú rể cũng sẽ gặp những căng thẳng khó tránh. Để làm giảm bớt áp lực, cặp đôi cần giữ tâm lý kiên nhẫn, thoải mái và luôn hướng về "kết quả" của ngày cưới, điều quan trọng hơn mà cô dâu chú rể cần quan tâm là lý do bạn tổ chức đám cưới. Liệu hôn lễ có phải là dịp để bạn làm vừa lòng mọi người hay đó đơn giản là bữa tiệc đánh dấu khoảnh khắc thiêng liêng mà kể từ sau đó, bạn sẽ được chung sống trọn đời với người mình yêu. Khó khăn nào rồi cũng sẽ có cách giải quyết cả!