19/04/2023
NGHI LỄ CƯỚI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM GỒM CÓ NHỮNG GÌ? 💐
Đám cưới của người Việt Nam thông thường có các thủ tục bao gồm :
Lễ dạm ngõ
Lễ ăn hỏi
Lễ rước dâu
Tiệc cưới
Lại mặt
1. Lễ dạm ngõ - Nghi thức quan trọng trong lễ cưới truyền thống
Lễ dạm ngõ hay còn được biết đến với tên gọi lễ giáp lời là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình.
Nhà trai đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân.
Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mai mối và cũng không cần lễ vật rườm rà. Sau lễ dạm ngõ, người con gái được xem như đã có nơi có chốn.
2. Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi là thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ.
Nghi lễ cưới này đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: Cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi.
Lễ vật của lễ hỏi là cau tươi, cốm, chè (trà), rượu, bánh phu thê, phong bì tiền, heo quay, trái cây… để thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái.
📍 Thành phần tham gia:
Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình,hị hàng, bạn bè thân thiết và một số nam thanh chưa vợ bê tráp. Số người bê tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11.
Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ tú chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.
3. Lễ rước dâu
Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp.
📍 Trình tự lễ rước dâu:
Nhà trai: Trước khi chuẩn bị lễ rước dâu, cha mẹ hoặc bậc trưởng thượng chuẩn bị, kiểm tra, sắp xếp lại các mâm quả – sính lễ. Chú rể thắp nhang báo cáo ông bà tổ tiên xin phép được xuất gia đi rước dâu về nhà.
Tại Nhà gái: Đại diện nhà trai và người bưng khay trầu rượu đi phía trước để xin phép đại diện nhà gái được nhập gia. Được sự đồng ý, hai ông đại diện uống rượu và bắt tay nhau. Sau đó, đoàn nhà trai xếp hàng di chuyển đến trước cổng nhà gái, chờ tiến hành nghi thức trao mâm quả. Đoàn nhà trai bước qua cổng nhà gái. Các cô gái đỡ quả đi vào sau đoàn nhà trai.
Trao lễ vật trong lễ rước dâu
Nhà gái nhận quả và mang lên bàn thờ gia tiên.
Nhà trai trình lễ trong lễ rước dâu: Người chủ hôn của nhà trai mở đầu buổi lễ xin phép, mở nắp tráp, hoặc lật khăn đỏ phủ trên tráp lên và giới thiệu lễ vật gồm những gì.
Cô dâu được dắt ra mắt trong lễ rước dâu: Cô dâu sẽ ngồi trong phòng của mình, đợi được cha hoặc mẹ dắt ra chào họ hàng hai bên, chuẩn bị làm lễ.
Làm lễ gia tiên trong lễ rước dâu
Trao nhẫn cưới trong lễ rước dâu
Cô dâu – chú rể nhận quà trong lễ rước dâu
Nhà gái trả lễ cho nhà trai
Đưa cô dâu lên xe hoa
Cô dâu về nhà trai trong lễ rước dâu: Khi cô dâu về nhà trai trong lễ rước dâu cô dâu phải làm lễ ra mắt trước bàn thờ tổ tiên bên nhà trai. Mẹ chồng dắt cô dâu vào phòng tân hôn, giới thiệu tổ ấm với bà con cô bác, làm thủ tục trải giường. Giường cưới thường là giường mới, chưa ai nằm lên, mẹ chồng trải giường, có thể nhờ thêm những người họ hàng có con trai và con gái cùng trải giường để “lấy hên” cho cô dâu chú rể sau này cũng có đủ nếp đủ tẻ như vậy.
4. Tiệc cưới
Tiệc cưới là một bữa tiệc được tổ chức sau khi hoàn thành Lễ rước dâu, nó cũng có thể tổ chức liên tục với Lễ kết hôn. Tiệc cưới dùng để chiêu đãi các quan khách, họ hàng, bạn bè của cô dâu, chú rể.
5. Lễ lại mặt
Sau ngày cưới, mẹ chồng sẽ chuẩn bị cho đôi vợ chồng son một mâm lễ nhỏ để cả hai mang về nhà gái. Lễ này còn được gọi là lễ nhị hỷ.
Thời gian đôi uyên ương về nhà gái là từ 1 đến 4 ngày sau lễ cưới. Thông thường, lễ lại mặt thường diễn ra buổi sáng, hiếm khi thăm nhà gái vài lúc tối hay chiều muộn.
Nguồn : Yêu Là Cưới 😁